Chuyện người đếm gió, đo mưa - Bài 1: "Bắt mạch" ông trời

17/09/2024 08:12

Trần Đức Bá - cái tên rất đỗi quen thuộc trên mỗi bản tin dự báo thời tiết hằng ngày. Những bản tin dí dỏm của ông đã bắt đầu một ngày mới vui vẻ cho người dân Hà Tĩnh suốt nhiều năm nay.

Dí dỏm những bản tin dự báo

Tôi gặp ông Trần Đức Bá, Giám đốc Đài khí tượng Thuỷ văn Hà Tĩnh vào một chiều mưa giông trước khi cơn bão Yagi đổ bộ vào đất liền. Lịch hẹn được đặt từ trước nhưng cuộc trò chuyện giữa chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi tiếng chuông điện thoại. Đầu dây bên kia, thông tin về cơn mưa, về tình hình thời tiết được người dân và nhiều cơ quan đoàn thể gọi hỏi liên tục. Ông Trần Đức Bá vừa cười vừa "giải thích" với tôi như để nán thêm đôi chút câu chuyện đang ngắt quãng.

Chuyện người đếm gió, đo mưa - Bài 1: "Bắt mạch" ông trời- Ảnh 1.

Ông Trần Đức Bá - Giám đốc Đài khí tượng thuỷ văn Hà Tĩnh.

Công việc của ông cùng 34 cán bộ, nhân viên ở Đài khí tượng thuỷ văn Hà Tĩnh luôn diễn ra như vậy. Công việc dự báo thời tiết tẻ nhạt với những con số khô khan thế nhưng 30 năm nay ông cùng các đồng nghiệp luôn say sưa, dầm mưa dãi nắng, túc trực thường xuyên, kể cả ngày lễ, Tết để "bắt mạch" cho trời.

Hằng ngày, người dân tỉnh Hà Tĩnh quá quen thuộc với cái tên Trần Đức Bá hiển thị trong nhóm cộng đồng zalo "Thông tin Thiên tai Hà Tĩnh" với 1.000 thành viên. Những bản tin dự báo thời tiết dí dỏm, hài hước của Giám đốc đài khí tượng thuỷ văn luôn khiến mọi người vui vẻ, dễ chịu, nở nụ cười vào ngày mới.

Chuyện người đếm gió, đo mưa - Bài 1: "Bắt mạch" ông trời- Ảnh 2.

Những bản tin dự báo thời tiết mang năng lượng vui vẻ cho người dân Hà Tĩnh mỗi ngày trong nhóm cộng đồng zalo.

Để có được những bản tin "mượt mà" như hiện tại, ông Bá cho hay, ông đã phải học và tập viết rất nhiều. Từ cách dùng câu ngữ, chắt lọc bản tin làm sao ngắn gọn, súc tích nhất nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ thông tin, dễ hiểu. Ông làm điều đó bằng niềm đam mê, yêu nghề, say nghề qua nhiều năm tháng.

"Thuật ngữ chuyên môn về thời tiết rất cứng nhắc và khó hiểu nên tôi thường cải biên đi một tí, pha chút hài hước để mỗi người dân đọc đều hiểu được. Một bản tin vừa phải đảm bảo đầy đủ thông tin vừa phải thật dễ hiểu", ông Bá cười nói.

Chuyện người đếm gió, đo mưa - Bài 1: "Bắt mạch" ông trời- Ảnh 3.

Những ngày mưa, bão, công tác dự báo với những số liệu vô cùng quan trọng khiến những cán bộ chuyên môn luôn phải "căng" mình.

Theo ông Bá, thiên tai không thể chống được mà chỉ phòng, tránh. Chính vì vậy, việc cảnh báo sớm, thông tin chính xác đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Thông tin đúng nhưng phải kịp thời chứ đúng mà không kịp thời cũng sẽ không có ý nghĩa. Với tính chất đặc thù công việc, ông Bá và hàng chục cán bộ, nhân viên đài khí tượng thuỷ văn Hà Tĩnh chưa bao giờ được nghỉ vào dịp lễ, Tết. Vào mùa mưa, bão, họ đều phải trực 24/24.

"Say" nghề dự báo

Cầm tấm bằng của trường Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội, duyên nghề đưa đẩy chàng thanh niên Trần Đức Bá về công tác tại Đài khí tượng thuỷ văn Bắc Trung Bộ. Quá trình công tác, ông được phân về phụ trách nhiều tỉnh từ Thanh Hoá, Nghệ An rồi về Hà Tĩnh. Năm 2006, ông được phân về Trạm thuỷ văn huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Chuyện người đếm gió, đo mưa - Bài 1: "Bắt mạch" ông trời- Ảnh 4.

Trụ sở Trạm khí tượng thuỷ văn Hà Tĩnh nằm một góc nhỏ trên trục đường Nguyễn Hữu Thái, Tp.Hà Tĩnh.

Luân chuyển qua nhiều vị trí, nhiều địa phương cộng với niềm đam mê nghề, ông Bá hiểu rất rõ đặc điểm địa lý, khí hậu của Hà Tĩnh. Những chất liệu tích luỹ qua năm tháng đó khiến ông là người có rất nhiều kinh nghiệm trong công tác dự báo.

Theo ông Bá, Hà Tĩnh có đặc điểm khí hậu khắc nghiệt, với hình thái thời tiết khác với nhiều tỉnh ở khu vực Bắc Trung Bộ. Mảnh đất được ví "chảo lửa túi mưa" được đánh giá là một trong các tỉnh có nhiều thiên tai nhất cả nước nên công tác dự báo, cảnh báo cũng theo đó khó khăn hơn rất nhiều.

Chuyện người đếm gió, đo mưa - Bài 1: "Bắt mạch" ông trời- Ảnh 5.

Là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nhiều nhất của bão lũ khiến công tác dự báo, cảnh báo càng vô cùng quan trọng.

Tại Hà Tĩnh, mùa mưa lũ tập trung vào 03 tháng từ tháng 8 đến tháng 11 nhưng chiếm 60-70% lượng mưa cả năm. Đặc điểm sông ngắn và dốc nên lũ tại tỉnh này cũng khủng khiếp hơn nhiều tỉnh trong khu vực. Khó khăn càng đòi hỏi những người làm công tác dự báo thời tiết phải có chuyên môn, trách nhiệm bởi những con số vào lúc này là con số quyết định tỉ lệ thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

Bài 2: Nghề là nghiệp

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện người đếm gió, đo mưa - Bài 1: "Bắt mạch" ông trời" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).