Chiều 29/5, sau phần thảo luận kinh tế - xã hội của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu.
Liên quan đến vấn đề chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thuế thu nhập cá nhân bắt đầu có hiệu lực từ năm 2009. Tại thời điểm, mức giảm trừ gia cảnh là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm) áp dụng với bản thân người nộp thuế và mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.
Khi Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi năm 2013, mức giảm trừ gia cảnh là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm), mỗi người phụ thuộc có mức giảm trừ 3,6 triệu đồng/tháng. Cùng với đó Luật bổ sung thêm quy định khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Đến năm 2020, Quốc hội có Nghị quyết 954 quy định mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Theo ông Phớc, theo quy định hiện nay thì những người với một người phụ thuộc có thu nhập 17 triệu trở lên mới chịu thuế thu nhập cá nhân. Nếu có 2 người phụ thuộc thì phải có thu nhập trên 22 triệu mới phải nộp thuế.
“Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân hiện nay là 4,96 triệu đồng. Như vậy để nộp thuế là 11 triệu đồng thì cao hơn mức thu nhập bình quân là 2,2 lần. Trong khi trên thế giới là dưới 1 lần”, Bộ trưởng Bộ Tài chính lý giải lý do tại sao điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, CPI năm 2023 chỉ tăng 3,25%, năm 2022 tăng 3,15%, năm 2021 tăng 1,84%… Trong khi theo Luật thì CPI phải biến động trên 20% thì mới tăng mức giảm trừ gia cảnh.
“Điều này có nghĩa Bộ Tài chính đang thực hiện đúng luật”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) về vấn đề điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, Bộ trưởng cho biết hiện Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đưa vào chương trình xây dựng pháp luật, tức sẽ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào tháng 10/2025, thông qua vào năm 2026. Nếu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định sẽ làm ngay và sang năm thông qua thì Bộ Tài chính sẽ chấp hành.
Trước đó vào sáng nay (29/5), đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho hay, cử tri đánh giá mức giảm trừ gia cảnh, nhất là mức giảm trừ với người phụ thuộc (4,4 triệu đồng/tháng) là quá lạc hậu và cần được Quốc hội xem xét sửa đổi sớm, mà không nên chờ đến 2 năm (đến năm 2026) mới được thông qua như đề xuất.
Về ngân sách bố trí cho sáng tạo tác phẩm nghệ thuật, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay theo Quyết định số 558, Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải có định mức, đơn giá.
“Hiện nay, không chỉ riêng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mà các bộ chuyên ngành đều đang gặp vướng mắc. Với kinh phí này, giai đoạn 2021-2025 đã duyệt kinh phí 328,5 tỷ đồng, bố trí trong năm nay 42,27 tỷ đồng, tuy nhiên muốn thanh toán khoản này phải có định mức, có đơn giá do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt”, ông Phớc nói.
Về vấn đề sắp xếp nhà đất, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, do nhập các huyện, xã nên thẩm quyền sắp xếp nhà đất là của UBND các tỉnh, để chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trụ sở để bán đấu giá cần phải điều chỉnh quy hoạch từ đất trụ sở sang đất ở, đất thương mại, định giá đất… thì mới có thể đấu giá. Bộ Tài chính sẽ đôn đốc UBND các tỉnh trong vấn đề này.