CEO Tập đoàn PAN: Đưa dấu ấn Việt Nam lên kệ hàng quốc tế

01/02/2025 16:17

Bà Nguyễn Thị Trà My chia sẻ, tại Tập đoàn PAN, đổi mới sáng tạo là hành động thực tế, nhằm đưa sáng kiến vào cuộc sống và nâng cao vị thế của nông sản và thực phẩm Việt Nam.

Năm 2024 đánh dấu một bước tiến quan trọng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam với tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản và thặng dư thương mại tăng cao kỷ lục, ước đạt lần lượt là 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% và 18,6 tỷ USD, tăng 53,1%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng, ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ phải đối mặt với các thách thức mà còn phải tận dụng cơ hội để khẳng định vị thế và nâng tầm nông sản.

Để biến những thành quả này thành giá trị bền vững, ngành nông nghiệp cần vượt qua thách thức, từ việc nâng cao chất lượng sản phẩm đến xây dựng thương hiệu vững chắc trên thị trường quốc tế.

Một trong những mục tiêu quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025 là chuyển đổi mô hình từ sản xuất nông sản đơn thuần sang phát triển nông sản chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, ngành cũng phải tăng cường ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh.

Điều này không chỉ giúp gia tăng giá trị gia tăng cho nông sản mà còn mở ra cánh cửa lớn để sản phẩm nông sản Việt Nam vươn xa hơn trên thị trường quốc tế.

Cuộc "chuyển dịch" của nông sản Việt

Một trong những ví dụ điển hình của áp dụng chiến lược trên là Tập đoàn PAN thông qua quá trình khai thác, chế chiến sâu nông sản Việt.

Việt Nam sở hữu nền sinh thái đa dạng với các vùng khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù, phù hợp cho sản xuất nhiều nông sản đặc trưng như gạo, cà phê, tiêu, trái cây nhiệt đới (thanh long, xoài, sầu riêng). Bên cạnh đó, với đường bờ biển dài 3.000 km và hệ thống sông ngòi phong phú, Việt Nam có lợi thế lớn trong nuôi trồng thủy sản.

Ngoài nguồn lực tự nhiên, ngành nông nghiệp còn tận dụng kinh nghiệm truyền thống lâu đời, kết hợp với ứng dụng công nghệ hiện đại, tạo ra các sản phẩm đặc sắc và có tính cạnh tranh cao.

CEO Tập đoàn PAN: Đưa dấu ấn Việt Nam lên kệ hàng quốc tế- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Trà My - CEO Tập đoàn PAN.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Trà My - CEO Tập đoàn PAN nhận định: Vấn đề then chốt để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam là gia tăng tỉ trọng sản phẩm chế biến sâu. Thực tế, mặc dù kim ngạch xuất khẩu ấn tượng, tới 90% nông sản Việt vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, với giá trị thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều quốc gia khác.

Đại diện PAN cho rằng, dù có nhiều lợi thế, nông nghiệp Việt Nam vẫn cần phải chuyển dịch sang những khâu có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị để một mặt đảm bảo sinh kế bền vững cho nông dân, mặt khác đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế đất nước, cùng với 2 lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.

Trong bối cảnh đó, tất cả sản phẩm xuất khẩu của Tập đoàn PAN đều là sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sâu. "Thay vì xuất khẩu gạo 5% tấm bao trắng với giá 500 - 600 USD, tập đoàn xuất khẩu gạo đóng túi với giá 1.100 USD/tấn, và nằm trên kệ siêu thị nước ngoài dưới thương hiệu Vinaseed (thành viên tập đoàn) chứ không phải thương hiệu của nước nhập khẩu", bà Trà My chia sẻ.

Việt Nam vẫn được biết đến là nước xuất khẩu thứ nhất, thứ nhì về gạo, cà phê, hạt điều, nhưng đa phần dưới dạng sản phẩm thô hoặc sơ chế, tỉ trọng sản phẩm chế biến sâu, đặc biệt mang thương hiệu Việt còn rất thấp.

"Do vậy, chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực đưa sản phẩm của chúng ta xuất hiện trên các kệ hàng nước ngoài với dấu ấn made in Vietnam, made by The PAN Group", bà Trà My khẳng định.

Ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo

Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN chia sẻ, đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn trong bối cảnh biến động toàn cầu, biến đổi khí hậu cũng như những rào cản về thương mại và yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường nhập khẩu,....

Trong bối cảnh đó, Tập đoàn PAN tập trung đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt trong việc tạo ra giống lúa Đài Thơm 8 chịu mặn, chịu hạn, giống ngô Diamond 999 thích nghi với biến đổi khí hậu, ứng dụng vi sinh trong nuôi tôm và các chế phẩm sinh học phục vụ ngành chăn nuôi, thủy sản, nông nghiệp...

CEO Tập đoàn PAN: Đưa dấu ấn Việt Nam lên kệ hàng quốc tế- Ảnh 2.

Đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn trong bối cảnh biến động toàn cầu, biến đổi khí hậu,....

Bà Trà My cho biết những sáng kiến đổi mới – sáng tạo của tập đoàn đã mang lại giá trị hơn 2.000 tỷ cho nông dân.

Nói về tinh thần đổi mới sáng tạo ở PAN, bà Trà My cho biết: "Đối với người PAN, đổi mới sáng tạo là hành động thực tế. Còn làm việc là còn sáng tạo, không ngừng đưa sáng kiến vào cuộc sống và nâng cao vị thế nông sản & thực phẩm Việt Nam".

Ngoài ra, PAN áp dụng công nghệ cao từ sản xuất đến quản trị doanh nghiệp, bao gồm hệ thống tưới tiêu tự động, blockchain minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm, và ERP trong quản lý tài chính, tồn kho.

Với định hướng tập trung vào công nghệ cao, tập đoàn PAN ứng dụng công nghệ trên mọi lĩnh vực, từ thương mại, sản xuất đến quản trị doanh nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng và tối ưu nguồn lực.

Do đó, để mở rộng thị trường, PAN đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử lớn như Amazon, Alibaba, Shopee. Đồng thời, các công ty thành viên như Bibica, Vinaseed, và SHIN Cà Phê cũng phát triển hệ thống website bán hàng trực tiếp, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng toàn cầu.

Đây là một chiến lược quan trọng giúp sản phẩm nông sản Việt Nam không chỉ xuất hiện trên các kệ hàng quốc tế mà còn có thể tiếp cận một lượng lớn người tiêu dùng ở các thị trường tiềm năng.

Tạo dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế

Bên cạnh đó, một vấn đề cũng được Tập đoàn PAN nhìn nhận là việc thiếu vắng các thương hiệu mạnh và sự nhận diện quốc tế. Mặc dù nông sản Việt Nam có chất lượng tốt và sản lượng lớn, nhưng trên thị trường quốc tế, nhiều sản phẩm vẫn chưa thể tạo được dấu ấn riêng. Thương hiệu quốc gia chưa thực sự mạnh, và đa phần sản phẩm nông sản Việt vẫn chưa được nhận diện rõ ràng tại các thị trường quốc tế.

Để khắc phục tình trạng này, ngành nông nghiệp cần có một chiến lược marketing mạnh mẽ để nâng cao giá trị và định vị thương hiệu nông sản Việt. Điều này không chỉ giúp nông sản Việt Nam có thể cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ trên thế giới mà còn góp phần nâng cao giá trị của ngành nông nghiệp Việt Nam. 

Việc đầu tư vào marketing, quảng bá thương hiệu quốc gia, cũng như xây dựng mối quan hệ bền vững với các đối tác quốc tế là yếu tố then chốt giúp nông sản Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế.

CEO Tập đoàn PAN: Đưa dấu ấn Việt Nam lên kệ hàng quốc tế- Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Trà My chia sẻ, tại Tập đoàn PAN, đổi mới sáng tạo là hành động thực tế, nhằm đưa sáng kiến vào cuộc sống và nâng cao vị thế của nông sản và thực phẩm Việt Nam.

PAN khẳng định sẽ không ngừng nỗ lực để đưa sản phẩm mang thương hiệu Việt xuất hiện trên các kệ hàng quốc tế, khẳng định vị thế nông sản quốc gia. Tổng Giám đốc tập đoàn này chia sẻ, bà coi việc tham gia những hội chợ quốc tế lớn không chỉ là dịp mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm mà còn là cơ hội tốt để tái định vị nông sản, thực phẩm Việt Nam ở thị trường thế giới. 

"Trước đây, thế giới nhìn chúng ta là quốc gia có sản lượng nông sản lớn nhưng không được đánh giá cao về chất lượng. Chúng tôi muốn chứng minh rằng nông sản, thực phẩm được chế biến sâu, mang thương hiệu Việt Nam có thể tự tin về chất lượng sánh vai với sản phẩm của bất kỳ Quốc gia nào trên thị trường thế giới", bà Trà My bày tỏ.

Tuy nhiên, để nông sản Việt tiến xa hơn, phát triển một cách bền vững, cần một chiến lược tổng thể với sự đồng hành mạnh mẽ từ Chính phủ và doanh nghiệp.

Theo đại diện Tập đoàn PAN, tổ chức sản xuất là nền tảng cốt lõi để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Việt Nam cần tập trung xây dựng các vùng chuyên canh bền vững, đảm bảo nguồn cung ổn định cho chế biến, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Điều này không chỉ góp phần giảm chi phí mà còn nâng cao tính tự chủ của ngành nông nghiệp.

Mở cửa thị trường: Động lực nào cho nông sản Việt?

Bên cạnh đó, cần phát triển hợp tác xã và tăng cường liên kết với doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp ổn định, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm Việt Nam.

Chính phủ cũng cần thu hút đầu tư chiến lược, tạo điều kiện để doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến và tiếp cận các nguồn vốn xanh, vốn ưu đãi. Đồng thời, thương hiệu quốc gia cần được đẩy mạnh quảng bá tại các thị trường quốc tế, với sự phối hợp giữa Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan. Việc này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hình ảnh mà còn góp phần gia tăng giá trị cho nông sản Việt.

Tập đoàn PAN có sự chuyển dịch linh hoạt giữa 3 thị trường chính là Nhật Bản – Châu Âu – Hoa Kỳ, ngoài ra khai phá thêm nhiều thị trường cao cấp khác như Úc, Canada, Hàn Quốc, Đài Loan… để giảm thiểu rủi ro.

Sản xuất xanh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Các doanh nghiệp cần được vinh danh thông qua chính sách ưu đãi, trong khi các vi phạm môi trường phải bị xử lý nghiêm khắc để nâng cao trách nhiệm xã hội. Ngoài ra, cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về lợi ích của sản xuất xanh và phát triển hệ thống chứng nhận để khuyến khích tiêu dùng bền vững.

CEO Tập đoàn PAN: Đưa dấu ấn Việt Nam lên kệ hàng quốc tế- Ảnh 4.

Theo Tập đoàn PAN, cần phát triển hợp tác xã và tăng cường liên kết với doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp ổn định, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm Việt Nam.

Với tiềm năng vốn có và chính sách phù hợp, nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vươn xa hơn trên thị trường quốc tế. Sự đồng hành giữa Chính phủ và doanh nghiệp sẽ là nền tảng vững chắc để ngành nông nghiệp phát triển toàn diện, khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đối diện với xu hướng tiêu dùng xanh, PAN kiên định với chiến lược ESG. Tập đoàn chú trọng giảm thiểu tác động môi trường, tối ưu hóa nguồn lực và đầu tư nghiêm túc vào sản xuất bền vững, quản trị doanh nghiệp hiệu quả.

Thế giới biến động không ngừng và trở nên khó đoán định hơn bao giờ hết. Nếu trước kia nhà đầu tư chỉ quan tâm đến yếu tố tài chính thì càng ngày các yếu tố phi tài chính càng được quan tâm và trở thành năng lực cạnh tranh mềm của doanh nghiệp. Đó là lúc quản trị công ty cho thấy vai trò.

Bạn đang đọc bài viết "CEO Tập đoàn PAN: Đưa dấu ấn Việt Nam lên kệ hàng quốc tế" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).