Cần "hàng rào" chính sách bảo vệ sách giáo khoa

17/12/2024 08:13

Là một trong những mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu học tập, cần có những chính sách phù hợp để tăng tính cạnh tranh cho những bộ sách giáo khoa chất lượng.

Với nhu cầu lớn, lợi nhuận cao, đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng, thời gian qua, nhiều đối tượng đã ngang nhiên thực hiện hành vi in ấn, phát hành, buôn bán sách giáo giả, sách giáo khoa lậu. Hoạt động này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng học tập, uy tín của các nhà xuất bản, mà còn gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế.

Từng của nạn nhân của việc xâm phạm bản quyền trí tuệ do sách giả, sách lậu, chia sẻ với Người Đưa Tin, Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh bày tỏ hành vi này xúc phạm nghiêm trọng đến những tác giả viết sách, khiến cho các nhà khoa học, giới tri thức không còn động lực để sáng tác, nghiên cứu.

"Hiện tượng xâm phạm bản quyền và phát hành sách giả đã tồn tại lâu dài trong nền kinh tế, gây ảnh hưởng nặng nề đến các tác giả và ngành xuất bản. Chính chúng tôi cũng đã trải qua nỗi khổ sở, khi cuốn sách của mình bị làm giả tràn lan trên thị trường mà không thể ngăn chặn", ông Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Cần "hàng rào" chính sách bảo vệ sách giáo khoa- Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh.

Đối với thị trường sách, vấn nạn này cũng gây thiệt hại kinh tế cho các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách và tác giả khi đã bị sách giả "cướp" đi nguồn doanh thu chính đáng. Không chỉ vậy, việc nộp thuế cũng không được diễn ra theo đúng quy định. Chưa kể đến, những cuốn sách giả thường có chất lượng kém, gây khó khăn cho người đọc, làm giảm giá trị thực sự của sản phẩm trí tuệ, làm ảnh hưởng đến uy tín của các nhà xuất bản.

Ngăn chặn sách giáo khoa giả từ trong nhà trường

Chuyên gia đánh giá, chấm dứt tình trạng sách giả và sách nhái là một nhiệm vụ cấp bách, và cần phải thực hiện nghiêm túc.

"Các cơ sở in ấn và phát hành đóng vai trò quan trọng trong việc này. Những cuốn sách giả thường được sao chép tại các cơ sở in lậu, sau đó chỉnh sửa để giống với sách gốc. Nếu chúng ta siết chặt quản lý các nhà in, yêu cầu họ thực hiện đúng quy định pháp luật, nhằm giảm thiểu việc in ấn trái phép", ông Đinh Trọng Thịnh đề xuất.

Cần "hàng rào" chính sách bảo vệ sách giáo khoa- Ảnh 2.

Sách giáo khoa giả gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nhà xuất bản (Ảnh: NXBGDVN).

Về mặt lâu dài, ông Thịnh cũng nhận thấy Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thuế phí và bản quyền cho những cuốn sách giáo khoa chất lượng, nhằm tạo sự cạnh tranh cho mặt hàng này.

Trên thực tế, sách giáo khoa vẫn là học liệu quan trọng trong quá trình học tập của học sinh, thậm chí đây là mặt hàng thiết yếu. Giáo dục luôn là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu, thì tất nhiên cần có sự hỗ trợ cho sách giáo khoa.

"Việc điều chỉnh giá sách giáo khoa phổ thông một cách hợp lý, là một biện pháp quan trọng, nhằm giảm thiểu gánh nặng chi phí cho học sinh và gia đình. Cha mẹ học sinh sẽ không phải tìm đến những kênh bán sách giá rẻ để mua cho con em mình", ông Thịnh cho hay.

Trong tháng 6/2024, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường - Công an Tp.Đà Nẵng triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả có quy mô đặc biệt lớn tại Tp.Đà Nẵng và Tp.Hồ Chí Minh.

Cần "hàng rào" chính sách bảo vệ sách giáo khoa- Ảnh 3.

Cơ quan chức năng phát hiện nhiều đường dây giả mạo bao bì, nhãn mác của NXB Giáo dục Việt Nam (Ảnh: NXBGDVN).

Kết quả thu giữ được, gồm: nhiều máy móc thiết bị in, xe ô tô, vật tư giấy in các loại: bản kẽm, bán thành phẩm, tem chống giả, giấy in và sách giáo dục các loại của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, trong đó: Tem chống giả mang logo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: 1.151.812 tem; Bán thành phẩm dở dang (in ruột, bìa): 148 kiện, ước ~142.220 bản sách; Sách giáo dục các loại: 511.730 bản, ước giá bìa hơn 10 tỷ đồng; Tổng ước số lượng trên 600.000 bản sách, giá trị giá bìa khoảng 12 tỷ đồng.

Tháng 7/2024, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và thu giữ gần 80.000 cuốn sách giáo khoa các loại từ lớp 1 đến lớp 12 có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Tổng trị giá hàng hóa được tính theo giá ghi trên sách là 1.375.413.000 đồng.

Hoa Trà - Hữu Thắng

Bạn đang đọc bài viết "Cần "hàng rào" chính sách bảo vệ sách giáo khoa" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).