Bộ GD&ĐT yêu cầu thực hiện các giải pháp phòng cháy, chữa cháy trong học sinh, sinh viên

15/09/2023 00:30

Bộ GD&ĐT yêu cầu rà soát, nắm bắt thông tin về vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội và thực hiện giải pháp phòng cháy, chữa cháy trong học sinh, sinh viên.

Sau vụ cháy chung cư mini trên địa bàn Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã ra Công văn “Về việc rà soát, nắm bắt thông tin về vụ cháy chung cư mini trên địa bàn Tp.Hà Nội và thực hiện các giải pháp phòng cháy, chữa cháy trong học sinh, sinh viên”.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội, các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng đóng trên địa bàn Tp.Hà Nội phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan công an, bệnh viện, các cơ tổ chức có liên quan rà soát, kiểm tra, nắm bắt đầy đủ thông tin về tình hình học sinh, sinh viên liên quan đến vụ cháy.

Tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên là nạn nhân trong vụ cháy (nếu có).

Quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT ngày 11/5/2023 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.

Đặc biệt cần chú trọng việc cung cấp cho học sinh, sinh viên các kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn, sơ cấp cứu người bị nạn khi xảy ra cháy, nổ và các sự cố, tai nạn; kỹ năng sử dụng các phương tiện, thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có tại gia đình, nhà trường và khu vực công cộng.

Báo cáo Bộ GD&ĐT về tình hình học sinh, sinh viên có liên quan trong vụ cháy trước ngày 20/9/2023.

Theo thống kê từ Sở GD&ĐT, có 30 người thuộc ngành giáo dục liên quan đến vụ cháy chung cư mini, bao gồm một giáo viên và 29 học sinh.

Theo thông tin ban đầu, trong số này, có một số học sinh tử vong; giáo viên và các học sinh còn lại bị thương ở nhiều mức độ khác nhau.

Trao đổi với báo Đầu Tư, TS.Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho biết, để góp phần giảm tối đa các nguy cơ có thể xảy ra do cháy nổ, hỏa hoạn, những kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cần phải được tăng cường, tăng thực hành ở các khu dân cư, không phải chỉ cho người lớn mà cả trẻ em.

Ngoài ra, thực hành ở khu dân cư với các địa hình khác nhau như chung cư, nhà trong ngõ hẹp... cùng các tình huống giả định sẽ hiệu quả hơn là chỉ trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong trường học. Địa phương nên tổ chức vào các ngày cuối tuần theo từng nhóm, các hộ gia đình và nên duy trì mỗi năm một lần.

Theo Công an Tp.Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng đã xác định được 56 người tử vong, 37 người bị thương; trong đó, có nhiều nạn nhân là học sinh, sinh viên, giáo viên.

Hiện Tp hỗ trợ 37 triệu đồng/người thiệt mạng và 12,4 triệu đồng/người bị thương. Riêng đối với trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em Tp hỗ trợ thêm: 5 triệu đồng/trẻ bị thiệt mạng và 10 triệu đồng/trẻ bị thương phải điều trị tại bệnh viện. Hỗ trợ từ các nguồn xã hội hóa khác của Tp, quận, phường và tổ chức đoàn thể - xã hội.

Đối với sinh viên, công nhân, người lao động thuê (hoặc ở ghép tại căn hộ), Tp.Hà Nội hỗ trợ mỗi cá nhân 1,5 triệu/người/tháng trong 6 tháng; hỗ trợ toàn bộ chi phí tại bệnh viện đối với người bị thương trong vụ hỏa hoạn phải điều trị tại bệnh viện; hỗ trợ tiền mua sách vở, đồ dùng học tập đối với trẻ em của các gia đình trong vụ hỏa hoạn, mức 5 triệu đồng/trẻ.

Đồng thời, giao chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ ổn định chỗ ở, các điều kiện sinh hoạt thiết yếu đảm bảo cuộc sống cho người dân để cuộc sống sớm trở lại bình thường, theo Giáo Dục và Thời Đại.

Trúc Chi (t/h)

Bạn đang đọc bài viết "Bộ GD&ĐT yêu cầu thực hiện các giải pháp phòng cháy, chữa cháy trong học sinh, sinh viên" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).