Trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024, doanh thu PTL đạt hơn 113 tỷ đồng, gấp 17 lần so với quý IV/2023, chủ yếu đến từ mảng nhà thầu xây dựng, một lĩnh vực mới được Công ty khai thác trong năm 2024. Tuy nhiên, bất chấp sự tăng trưởng doanh thu ấn tượng, PTL vẫn tiếp tục lỗ ròng 14 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí giá vốn cao, các khoản dự phòng nợ khó đòi và các chi phí phạt, bồi thường liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Luỹ kế năm 2024, PTL ghi nhận doanh thu đạt 268 tỷ đồng, gấp 13 lần so với năm 2023. Dù vậy, Công ty vẫn báo lỗ hơn 48 tỷ đồng, khiến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tiếp tục giảm, âm 586 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng các chi phí liên quan đến hoạt động xây dựng và đầu tư bất động sản vẫn khiến PTL không thể chuyển hóa thành lợi nhuận.
Sau khi hợp nhất thêm các công ty con, bao gồm Victory Cons và DBFS – hai đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản, tổng tài sản của PTL đã tăng hơn 70%, đạt gần 1.119 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này đi kèm với một loạt khoản nợ phải trả. Nợ phải trả người bán tăng mạnh từ 18 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng, trong khi Công ty cũng phải đối mặt với khoản vay ngắn hạn 127 tỷ đồng, một khoản vay chưa từng xuất hiện vào đầu năm 2024.
Đặc biệt, khoản phải thu ngắn hạn của PTL tăng vọt từ 40 tỷ đồng lên 232 tỷ đồng vào cuối năm, chủ yếu liên quan đến các đối tác như Cara Group, Bắc Phước Kiển và Phát triển Đô thị Miền Đông.
Năm 2024, PTL đặt mục tiêu doanh thu gần 160 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 42 tỷ đồng, gấp nhiều lần năm 2023, nhưng thực tế, Công ty chỉ đạt được kỳ vọng về doanh thu mà không thể hoàn thành mục tiêu lợi nhuận.
PTL từng được cổ đông chấp thuận phương án vay 1.000 tỷ đồng để góp vốn vào các công ty con nhằm đầu tư dự án và phát triển quỹ đất, thậm chí kế hoạch phát hành 100 triệu cổ phiếu để hoán đổi khoản nợ này cũng đã được thông qua nhưng báo cáo cho thấy việc này vẫn chưa được triển khai.
Không chỉ gặp khó khăn trong việc cải thiện kết quả kinh doanh mà PTL còn phải đối mặt với sự thay đổi liên tục về thương hiệu và lãnh đạo. Kể từ năm 2022, Công ty đã thay đổi tên gọi ba lần, từ Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland) sang Victory Capital và gần đây nhất là Victory Group vào tháng 11/2024.
Đồng thời, trong khoảng thời gian từ 2021 đến nay, vị trí Tổng Giám đốc đã thay đổi tới 6 lần, còn vị trí Chủ tịch HĐQT cũng không ổn định. Những biến động này cho thấy PTL vẫn chưa thể vượt qua giai đoạn khó khăn và cần có một chiến lược dài hạn vững chắc để thoát khỏi tình trạng thua lỗ kéo dài.