Trường hợp công chức không được thôi việc theo nguyện vọng, nhiều người cần biết

Bộ Nội vụ vừa có hướng dẫn cụ thể 5 trường hợp công chức không được thôi việc theo nguyện vọng.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 32 Luật Cán bộ, công chức 2025 quy định công chức thôi việc trong các trường hợp:

- Theo nguyện vọng cá nhân và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đồng ý. Không giải quyết thôi việc đối với công chức đang trong thời gian xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật hoặc của cấp có thẩm quyền;

- Không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 27 Luật Cán bộ, công chức 2025 đến mức phải cho thôi việc.

Trường hợp công chức không được thôi việc theo nguyện vọng, nhiều người cần biết- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Tuy nhiên, tại Mục IV Phần II nội dung thủ tục hành chính được ban hành kèm theo Quyết định 727/QĐ-BNV năm 2025 quy định thủ tục thôi việc đối với công chức, viên chức nêu rõ 5 trường hợp công chức không được thôi việc theo nguyện vọng:

(1) Công chức đang trong thời gian xem xét xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự;

(2) Công chức chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết với cơ quan, tổ chức tuyển dụng;

(3) Công chức chưa hoàn thành việc thanh toán các khoản tiền, tài sản thuộc trách nhiệm của cá nhân đối với cơ quan, tổ chức;

(4) Do yêu cầu công tác của cơ quan, tổ chức hoặc chưa bố trí được người thay thế.

(5) Các lý do khác theo quy định của pháp luật, quy định của cấp có thẩm quyền.

Đối với viên chức, Bộ Nội vụ hướng dẫn chỉ được giải quyết thôi việc nếu cá nhân đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định.

Đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức khi có một trong các trường hợp quy định; đơn vị sự nghiệp công lập không ký tiếp hợp đồng làm việc với viên chức khi kết thúc hợp đồng làm việc xác định thời hạn.

Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính đối với công chức là người đứng đầu cơ quan quản lý hoặc cơ quan sử dụng công chức được phân cấp thẩm quyền tuyển dụng theo quy định.

Đối với viên chức là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng viên chức hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức.

Về quy trình thực hiện, quyết định nêu rõ công chức tự nguyện xin thôi việc có đơn gửi cơ quan quản lý hoặc cơ quan được phân cấp thẩm quyền quản lý hoặc được ủy quyền giải quyết thôi việc.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn tự nguyện xin thôi việc của công chức, nếu đồng ý cho thôi việc thì người đứng đầu cơ quan quản lý hoặc cơ quan được phân cấp thẩm quyền quản lý hoặc được ủy quyền ra quyết định thôi việc đối với công chức. Nếu không đồng ý thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Đối với viên chức, quy trình thực hiện cũng dựa trên viên chức có văn bản đề nghị.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của viên chức, nếu đồng ý cho viên chức thôi việc, thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hợp đồng làm việc và giải quyết chế độ thôi việc cho viên chức theo quy định. Trường hợp không đồng ý cho viên chức thôi việc, phải trả lời viên chức bằng văn bản và nêu rõ lý do theo quy định.

Minh Hoa (t/h theo Lao Động, Tuổi Trẻ Online)