Triển khai tháng cao điểm đấu tranh ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

Ngày 23/5, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng về việc triển khai tháng cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Chú thích ảnh Công an quận Thanh Khê, Đà Nẵng kiểm tra các kiện hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ xuất xứ. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Theo đó, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng chủ động tham mưu, phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn triển khai hiệu quả nội dung Quyết định số 1703/QĐ-BYT ngày 21/5/2025 của Bộ Y tế về ban hành Kế hoạch triển khai tháng cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thượng mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất tháng cao điểm từ 15/5-15/6/2025, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến các hoạt động buôn bán, sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm thuộc trách nhiệm của ngành Y tế nhằm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

Các địa phương thành lập Tổ công tác rà soát chấn chỉnh, xử lý đối với các hoạt động vi phạm quảng cáo; yêu cầu các nhà khoa học, nhà quản lý của ngành y tế ký cam kết không quảng cáo, giới thiệu các thông tin sai lệch, thiếu cơ sở, căn cứ khoa học, phóng đại tính năng, công dụng của sản phẩm.

Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các cấp quản lý, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý đặc biệt hoạt động cấp phép, kiểm nghiệm, hậu kiểm, cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, tạo chuyển biến đột phá trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với sản phẩm thực phẩm. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nhận thức của người dân về các thủ đoạn gian dối trong sản xuất, kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, ngày 22/5, triển khai thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm đã thành lập 5 đoàn kiểm tra theo hình thức đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh nguyên liệu thực phẩm, sữa, thực phẩm chức năng tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Đồng Nai, Nam Định, Thái Bình.

Danh sách cơ sở được kiểm tra do Sở Y tế/Chi cục An toàn thực phẩm tại địa phương lựa chọn.

Thời hạn kiểm tra trong 45 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra. Thời kỳ kiểm tra: Từ ngày 1/1/2024 - 22/5/2025, khi cần thiết có thể kiểm tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ kiểm tra.

Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh nguyên liệu thực phẩm, sữa, thực phẩm chức năng theo các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư số 48/2015/TT-BYT được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 4 Điều 5 Thông tư số 17/2023/TT-BYT và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 Luật An toàn thực phẩm; Cùng đó xử lý, kiến nghị xử lý trong quá trình kiểm tra; tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra theo quy định...