Tp.HCM: Nhiều phương án hỗ trợ chuyển đổi xe điện trong tương lai

Nhiều phương án sẽ được triển khai khi thực hiện chuyển đổi xe sang năng lượng sạch, hỗ trợ chuyển đổi xanh.

Chiều ngày 22/5, tại họp báo tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Tp.HCM, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở Xây Dựng Tp.HCM, cung cấp các thông tin về hạ tầng giao thông, phát triển đô thị trên địa bàn. 

Ông Hải Đường cho biết, một trong những chiến lược trọng tâm được thành phố triển khai là Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, được phê duyệt tại Quyết định số 3998/QĐ-UBND ngày 17/10/2020. 

Đề án đặt mục tiêu nâng cao năng lực vận tải công cộng thông qua việc đầu tư phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch như khí CNG, LPG, điện hoặc các loại năng lượng thay thế khác. Giai đoạn thực hiện kéo dài từ năm 2021 đến năm 2030, chia theo từng bước phù hợp với điều kiện hạ tầng và xu thế quốc tế.

Tp.HCM: Nhiều phương án hỗ trợ chuyển đổi xe điện trong tương lai- Ảnh 1.

ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở Xây Dựng Tp.HCM, cung cấp các thông tin về hạ tầng giao thông, phát triển đô thị trên địa bàn.

Theo thống kê mới nhất, đến nay, Tp.HCM đã có 138 tuyến xe buýt đang hoạt động với tổng số 2.221 xe. Trong đó, 160 xe buýt điện đang phục vụ trên 19 tuyến và 528 xe buýt sử dụng khí CNG hoạt động trên 18 tuyến, chiếm khoảng 31% tổng số phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường. Con số này được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới khi các chính sách chuyển đổi được triển khai đồng bộ và quyết liệt hơn.

Thành phố đã giao Sở Xây dựng xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 tập trung xây dựng lộ trình và chính sách hỗ trợ chuyển đổi toàn bộ xe buýt sang sử dụng điện hoặc năng lượng xanh từ năm 2025. Đáng chú ý, mục tiêu được đặt ra là đến năm 2030, toàn bộ xe buýt của thành phố sẽ sử dụng năng lượng sạch.

Tp.HCM: Nhiều phương án hỗ trợ chuyển đổi xe điện trong tương lai- Ảnh 2.

Đề án đặt mục tiêu nâng cao năng lực vận tải công cộng thông qua việc đầu tư phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch như khí CNG, LPG, điện hoặc các loại năng lượng thay thế khác.

Cùng với đó, thành phố cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi, bao gồm: hỗ trợ tài chính để thay mới phương tiện, đầu tư trạm sạc điện và hoàn thiện hạ tầng phục vụ vận hành xe điện. Lộ trình phát triển các trạm sạc điện cũng đang được xây dựng song song nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong hạ tầng và vận hành.

Hơn 9.500 xe điện VinFast được bàn giao trong tháng 4/2025Khi gã khổng lồ xe điện không còn chỉ sản xuất xe điện

Giai đoạn 2 của đề án dự kiến hoàn thành trong quý IV/2025, sẽ mở rộng phạm vi kiểm soát khí thải ra toàn bộ các loại hình phương tiện giao thông đường bộ còn lại trên địa bàn Tp.HCM. Trong đó, trọng tâm là xây dựng chính sách ưu đãi và lộ trình chuyển đổi cho xe taxi, xe công nghệ, xe hợp đồng, xe khách, xe tải và cả phương tiện cá nhân. Đồng thời, thành phố cũng nghiên cứu các giải pháp như phân vùng giao thông ưu tiên cho xe xanh, hạn chế hoạt động của phương tiện dùng nhiên liệu hóa thạch tại khu vực trung tâm và các khu vực có giá trị sinh thái đặc biệt như huyện Cần Giờ, huyện Côn Đảo.

Để tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi, Sở Xây dựng cũng đang phối hợp xây dựng các bộ định mức, đơn giá cho xe buýt điện, phát triển hệ thống taxi điện, xe đạp công cộng và hệ thống vé điện tử liên thông giữa các loại hình vận tải công cộng. Những bước đi này không chỉ thúc đẩy giao thông xanh mà còn góp phần hiện đại hóa hạ tầng đô thị, cải thiện chất lượng sống và giảm áp lực ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, để đảm bảo hiệu quả và minh bạch trong quản lý vận tải công cộng, ông Hải Đường cũng cho hay, Tp.HCM đang đẩy mạnh công tác đấu thầu tuyến xe buýt theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định 32/2019/NĐ-CP. Tính từ năm 2022 đến nay, đã có 45/108 tuyến xe buýt có trợ giá được tổ chức đấu thầu thành công, với tổng cộng 498 phương tiện, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Liên quan đến lo ngại của một số hợp tác xã xe buýt về nguy cơ bị rớt thầu sau đợt mở thầu ngày 29/4 vừa qua, Sở Xây dựng khẳng định toàn bộ quy trình được tổ chức công khai, minh bạch trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Trong đợt này, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng, đơn vị trực thuộc Sở đã tiến hành mở thầu 17 gói thầu với 37 tuyến xe buýt có trợ giá, tổng cộng khoảng 600 phương tiện. Các tuyến này hiện do 8 đơn vị vận tải khai thác, trong đó có 7 hợp tác xã.

Trung tâm đã thông báo công khai kế hoạch và tiến độ triển khai đến tất cả đơn vị vận tải, tạo điều kiện để các đơn vị trong đó có các hợp tác xã chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng. Việc chấm thầu hiện đang được thực hiện bởi đơn vị tư vấn độc lập, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và tuân thủ pháp luật. Kết quả sẽ được công bố công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Mỹ Hậu