
Theo báo cáo của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, tình trạng kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng và vi phạm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp. Các loại hàng hoá vi phạm rất đa dạng, từ nội tạng động vật đông lạnh, khô bò, yến sào tinh chế đến các loại thực phẩm đóng gói như kẹo, đường cát…
Mới đây, lực lượng Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã xử lý hàng loạt vụ việc nghiêm trọng như tạm giữ 50 tấn nội tạng động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc tại thành phố Thủ Đức, xử phạt gần 315 triệu đồng; phát hiện 7 tấn đường tinh luyện nhập lậu tại Củ Chi; 18.200 chai bia nhập lậu tại Quận 12; hơn 1 tấn khô bò được rao bán trái phép trên mạng xã hội và bị xử phạt 100 triệu đồng, tiêu hủy toàn bộ...
Tương tự, tại chợ Bình Tây, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện một điểm kinh doanh yến sào tinh chế không rõ nguồn gốc với trị giá gần 60 triệu đồng. Một điểm khác ở Quận 8 bị phát hiện bày bán hàng trăm gói bột thực phẩm vi phạm, được quảng cáo và tiếp cận khách hàng thông qua website thương mại điện tử.
Trước thực trạng đáng báo động, đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp kiểm tra, giám sát. Trong đó, trọng tâm là kế hoạch hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2025, tăng cường kiểm tra đột xuất tại các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất và kho chứa.
Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường cũng đã mở các đợt cao điểm kiểm tra cả trên thị trường truyền thống lẫn môi trường số. Các website bán hàng không thông báo với cơ quan chức năng, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc đều nằm trong diện bị xử lý.
Để tăng tính răn đe, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng có kiến nghị đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý nghiêm tùy theo tính chất và mức độ sai phạm, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và giữ gìn trật tự thị trường.
Đặc biệt, đối với những hành vi có dấu hiệu hình sự như cố tình gây ngộ độc thực phẩm hàng loạt hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, cơ quan chức năng sẽ chuyển hồ sơ sang Công an để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết cũng cần áp dụng các biện pháp mạnh như công khai danh tính tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện truyền thông đại chúng và cổng thông tin quản lý nhà nước. Biện pháp này được kỳ vọng sẽ tạo sức ép dư luận, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Sở cũng đề xuất tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm mang tính hệ thống, tái phạm nhiều lần hoặc có dấu hiệu trục lợi bất chính từ việc cung cấp thực phẩm không đảm bảo an toàn. Việc áp dụng mức phạt cao hơn sẽ được cân nhắc tùy theo quy mô và hậu quả gây ra. Đối với những cơ sở không chấp hành khắc phục sai phạm hoặc tiếp tục tái phạm sau khi đã bị xử lý, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh kiến nghị cần xem xét biện pháp đình chỉ hoạt động dài hạn hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh.
Mặt khác, Sở cũng khuyến cáo người dân cần lựa chọn mua sắm tại những địa điểm uy tín, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu vi phạm nhằm phối hợp xử lý nhanh chóng, hiệu quả các trường hợp vi phạm.