
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Hokkaido - Ảnh: VGP/Thu Sa
Chiều 28/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng dự và phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Hokkaido. Sự kiện có ý nghĩa quan trọng để hai bên cùng trao đổi các giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung và với tỉnh Hokkaido nói riêng.
Không gian hợp tác mớiPhát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết mặc dù bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức với những biến động nhanh chóng, khó lường, Việt Nam đã chủ động thích ứng linh hoạt, kiên định con đường xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Qua đó, tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành điểm sáng về tăng trưởng của khu vực và thế giới với môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế, nhà đầu tư đánh giá tích cực. Nhiều tập đoàn đã và đang đưa Việt Nam trở thành "cứ điểm sản xuất", trong đó có các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Foxconn, NVIDIA, Panasonic, Toshiba...

Nhận định hợp tác kinh tế Việt Nam – Hokkaido vẫn còn nhiều dư địa phát triển để tương xứng với tiềm năng, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng gợi mở 4 nội dung quan trọng đối với chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp hai bên - Ảnh: VGP/Thu Sa
Năm 2025 là năm "tăng tốc, bứt phá, về đích" để hoàn thành các mục tiêu phát triển của giai đoạn 2021-2025, tạo tiền đề để thực hiện thành công 2 mục tiêu 100 năm và đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.
Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành "bộ tứ trụ cột" để tạo xung lực phát triển cho giai đoạn mới: Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật; Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành "một động lực quan trọng nhất" của nền kinh tế quốc gia.
"Đây là những quyết sách mang tính "đột phá", vừa tạo động lực mới cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, vừa mở ra các "không gian hợp tác mới" với các đối tác quốc tế, trong đó có các đối tác Nhật Bản nói chung và đối tác từ Hokkaido nói riêng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng đánh giá cao và trân trọng cảm ơn sự đóng góp thiết thực, hiệu quả của các đối tác, người bạn tỉnh Hokkaido đã đóng góp phát triển mối quan hệ hữu nghị Hokkaido – Việt Nam cũng như Nhật Bản – Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục là điểm sáng nổi bật khi Nhật Bản là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, đối tác cung cấp vốn ODA và hợp tác lao động lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ ba, đối tác thương mại và du lịch lớn thứ tư của Việt Nam.
"Tôi rất vui mừng khi khảo sát thường niên của JETRO cho thấy nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. Điều này khẳng định Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp Nhật Bản", Phó Thủ tướng chia sẻ.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng đánh giá cao và trân trọng cảm ơn sự đóng góp thiết thực, hiệu quả của các đối tác, người bạn tỉnh Hokkaido đã đóng góp phát triển mối quan hệ hữu nghị Hokkaido – Việt Nam cũng như Nhật Bản – Việt Nam.
Tuy nhiên, cho rằng mối quan hệ kinh tế giữa vẫn còn nhiều dư địa phát triển, Phó Thủ tướng có một số gợi mở đối với chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Hokkaido - Ảnh: VGP/Thu Sa
Thứ nhất, cần tăng cường hợp tác kinh tế, văn hóa giữa tỉnh Hokkaido và các địa phương của Việt Nam. Trong đó, nghiên cứu sớm mở đường bay thẳng kết nối Hokkaido và các địa phương của Việt Nam; mở rộng các sự kiện trao đổi văn hóa nhằm thúc đẩy giao lưu nhân dân; thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch.
Thứ hai, các doanh nghiệp Hokkaido tiếp tục nghiên cứu, mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh và Việt Nam có tiềm năng như: KHCN, ĐMST, bán dẫn, cơ khí chính xác, nông nghiệp công nghệ cao, logistics, du lịch…
Thứ ba, thúc đẩy hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ tư, thúc đẩy liên kết giữa hệ sinh thái ĐSMT của tỉnh và hệ sinh thái ĐMST của Việt Nam, đặc biệt là với Trung tâm ĐMST Quốc gia và khu Công nghệ cao Hòa Lạc tại TP. Hà Nội.
Thứ năm, chính quyền, doanh nghiệp Hokkaido hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hoạt động M&A hoặc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Nhật Bản để học hỏi, nắm bắt công nghệ và góp phần vào phát triển kinh tế của hai nước.

Phó Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu - Ảnh: VGP/Thu Sa
"Qua đó, đưa Hokkaido trở thành "ngọn cờ tiên phong" triển khai trụ cột mới về hợp tác trong lĩnh vực KHCN, ĐMST và đào tạo nguồn nhân lực trong nội hàm quan hệ song phương giữa hai nước", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Chính phủ Việt Nam cam kết luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản và Hokkaido đầu tư kinh doanh bền vững, hiệu quả, lâu dài tại Việt Nam.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng kêu gọi những người bạn Hokkaido tiếp tục tin tưởng và gắn bó với Việt Nam; không ngừng đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng chung của hai quốc gia, khu vực và thế giới./.
Thu Sa