Thiết kế tối ưu hóa năng lượng là giải pháp phát triển bền vững cho khu công nghiệp và đô thị

28/08/2024 18:47

Ngày 27/08, tại Trung tâm vận hành Keppel, tọa đàm “Giải pháp toàn diện cho khu công nghiệp và đô thị bền vững” đã diễn ra với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phát triển bền vững, xây dựng, và quản lý khu công nghiệp, khu đô thị với mục tiêu thúc đẩy những sáng kiến, giải pháp mới nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững trong lĩnh vực công nghiệp và đô thị tại Việt Nam.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Thành Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Edeec, Viện phó Viện IRAT  đã nêu bật tầm quan trọng của việc thiết kế hiệu quả năng lượng song hành với đánh giá hiệu quả kinh tế, đóng vai trò then chốt trong việc đạt được mục tiêu Net Zero.

Ông Vũ nhấn mạnh rằng việc tối ưu hóa năng lượng không chỉ là một mục tiêu cần thiết trong bối cảnh phát triển bền vững, mà còn là yếu tố then chốt giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển và bảo tồn tài nguyên.

“Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang hướng tới Net Zero, những giải pháp thiết kế kinh tế năng lượng đã mở ra nhiều hướng đi mới, góp phần quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu bền vững mà không tạo thêm gánh nặng chi phí đầu tư ban đầu, thậm chí có thể giảm tổng mức đầu tư, đồng thời rất có lợi về dài hạn và đáp ứng các điều kiện xuất khẩu sản phẩm có tính thân thiện môi trường”, ông Vũ chia sẻ.

Ông Trần Thành Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Edeec, khẳng định phát triển công trình xanh không những không làm tăng chi phí mà ngược lại là giảm thiểu rất nhiều chi phí đầu tư cũng như chi phí vận hành.

Theo Bà Lê Phương Anh, Giám đốc Chương trình thúc đẩy công trình hiệu quả năng lượng tại Việt Nam (SBVN) cho rằng, định hướng Net Zero và lộ trình giảm phát thải CO2 đều là những mục tiêu mới không chỉ đối với Việt Nam mà với toàn thế giới.

“Chúng tôi nhận thấy rằng, Việt Nam cần được tiếp cận những phương pháp thiết kế, các phương thức tính toán, những công cụ mới để đạt được mục tiêu này, đặc biệt đối với ngành xây dựng công trình khi các toà nhà hiện chiếm đến trên 40% tổng tiêu thụ điện của toàn quốc gia. Tuy vậy, các nhà đầu tư, nhà phát triển dự án còn có nhiều nghi ngại, nhiều vấn đề lấn cấn khi tiếp xúc với các công cụ và nguyên lý mới,” bà Phương Anh nhận định.

Cũng theo bà Phương Anh, thị trường công trình xanh và bền vững tại Việt Nam chỉ có thể phát triển mạnh, giúp góp phần vào mục tiêu Net Zero 2050 nếu nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật cho dự án và nâng cao nhận thức cho cộng đồng.

“Do đó, chương trình SBVN có nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển của công trình hiệu quả năng lượng tại Việt Nam, hỗ trợ thiết kế các toà nhà đầu tiên đạt Net Zero Energy, thông qua các hoạt động đào tạo, chia sẻ, nâng cao năng lực, nhận thức và hỗ trợ kỹ thuật cho các cá nhân, đơn vị quan tâm đến phát triển bền vững” bà cho biết.

Tại chương trình, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Founder Sen Vàng Group đã có những chia sẻ mang tầm chiến lược và các phương pháp phát triển bền vững cho doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp và khu đô thị.

Ngày nay, để Chủ đầu tư/Nhà phát triển dự án ghi điểm với công chúng, việc tập trung vào việc xây dựng chiến lược Xanh – Phát triển Bền Vững là hết sức quan trọng. Từ quá trình phát triển dự án đến quản lý vận hành, Sen Vàng Group đưa ra cam kết vững chắc về sự đổi mới, hiệu quả năng lượng và tôn trọng môi trường trong mọi khía cạnh của chiến lược phát triển bất động sản, đồng hành chặt chẽ cùng doanh nghiệp.

“Để đạt được sự bền vững trong kinh doanh, các doanh nghiệp cần phải tích hợp chiến lược xanh vào kế hoạch phát triển của mình. Điều này bao gồm việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về xây dựng xanh, sử dụng năng lượng hiệu quả, và tối ưu hóa quản lý tài nguyên. Bà cũng chia sẻ các phương pháp thiết thực giúp doanh nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển hiện tại mà còn bảo đảm sự cân bằng với môi trường tự nhiên và cộng đồng xung quanh,” bà Ngọc cho biết.

PV

Bạn đang đọc bài viết "Thiết kế tối ưu hóa năng lượng là giải pháp phát triển bền vững cho khu công nghiệp và đô thị" tại chuyên mục Doanh nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).