Quyết tâm thông tuyến QL7, QL16 nhanh nhất để cứu trợ đồng bào

(Chinhphu.vn) - Quốc lộ 7 (QL7) và quốc lộ 16 (QL16) là hai tuyến đường độc đạo đặc biệt quan trọng để tiếp cận các vùng đang bị bão lũ chia cắt ở tỉnh Nghệ An. Hiện, các đơn vị quản lý bảo trì đường bộ đang nỗ lực thông đường trong thời gian nhanh nhất để lực lượng cứu hộ tiếp cận khu vực người dân đang bị bão lũ cô lập.
Quyết tâm thông tuyến QL7, QL16 nhanh nhất để cứu trợ đồng bào- Ảnh 1.

Km 304+350 quốc lộ 16 bị ách tắc hoàn toàn do hàng nghìn khối đất đá từ trên núi sạt xuống - Ảnh: Sở Xây dựng Nghệ An

Tin từ Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Xây dựng), tối 24/7, đoàn công tác Cục Đường bộ Việt Nam đã trực tiếp về kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 (bão Wipha) và mưa lũ để bảo đảm giao thông đường bộ tại tỉnh Nghệ An.

QL7, QL16 còn hàng trăm điểm ngập, sạt lở

Ông Lê Cảnh Tám, Giám đốc Công ty CP 495 (đơn vị duy tu bảo dưỡng tuyến đường này) cho biết, đơn vị quản lý 225 km trên quốc lộ 7, theo thống kê sơ bộ hiện tại toàn tuyến có 51 điểm ngập và sạt lở ta luy âm, dương trong đó có nhiều vị trí bị tắc đường. 

Đơn vị đã huy động 13 máy xúc lật cùng hàng chục cán bộ, công nhân viên chia thành nhiều mũi vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa triển khai hót dọn bùn đất, bước đầu thông xe một vệt. Đến tối ngày 24/7, hướng từ dưới Diễn Châu lên, đơn vị đã thông xe đến Km148.

Chiều tối 24/7 khi nước rút, máy móc của lực lượng đường bộ mới tiếp cận được hiện trường sạt lở để hốt dọn bùn đất, còn trước đó có rất nhiều vị trí nước ngập sâu, xe máy không tiếp cận được công địa. Hiện tại trên khu vực Tương Dương, Kỳ Sơn có nhiều đoạn không có điện, không có sóng điện thoại nên việc liên lạc gặp rất nhiều khó khăn

Trên quốc lộ 16 đoạn qua xã Nhôn Mai (thuộc huyện Tương Dương cũ), vị trí Km 304+350 quốc lộ 16, hàng nghìn khối đất đá từ trên núi sạt xuống chắn ngang hoàn toàn tuyến đường độc đạo này, gây ách tắc giao thông hoàn toàn. Đơn vị duy tu bảo dưỡng đoạn tuyến là Công ty CP Trung Tín, theo thống kê sơ bộ, mưa bão đã gây 18 điểm sạt lở ta luy âm, dương. Hiện, đơn vị đang huy động 2 máy múc công suất lớn và hơn 10 máy múc khác chia thành nhiều mũi hót dọn đất đá nhằm thông đường trong thời gian sớm nhất.

"Tuy nhiên, thời tiết hiện vẫn đang có mưa to và đây là tuyến đường độc đạo, một bên là núi cao, bên còn lại là vực sâu, công địa thi công rất hẹp khiến việc huy động xe, máy xúc gặp khó khăn. Ngoài ra do mất điện, mất sóng điện thoại nên vẫn chưa thể liên lạc được với người của công ty đang bám trên đoạn tuyến từ Km307- Km353", đại diện Công ty Trung Tín cho hay.

Quyết tâm thông tuyến QL7, QL16 nhanh nhất để cứu trợ đồng bào- Ảnh 2.

Quá trình giải phóng đất đá sạt lở, ngoài khó khăn do công địa chật hẹp, khó tiếp cận, đội ngũ kỹ sư, công nhân còn đối mặt với nguy hiểm khi đất đá trên núi vẫn tiếp tục sạt lở

Quyết tâm thông đường trong thời gian sớm nhất

Ông Hồ Bá Thái, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An cho biết thêm, bão số 3 và mưa lũ đã gây nên mưa lớn kéo dài khiến lũ trên các sông ở Nghệ An dâng cao, gây thiệt hại nặng nề cho người dân và hạ tầng giao thông ở rất nhiều địa phương của tỉnh Nghệ An. Hệ thống giao bị sạt lở, hư hỏng nặng nề do bão số 3 và mưa lũ. Trong đó, Nghệ An xảy ra 291 vị trí sạt lở, ngập lụt tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, 3 cầu treo bị cuốn trôi.

Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, Sở Xây dựng Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị duy tu bảo dưỡng tuyến cảnh giới, lập rào chắn, tổ chức đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí bị ảnh hưởng. Song song với đó huy động tối đa máy móc, phương tiện triển khai san gạt, hốt dọn đất đá để thông đường trong thời gian sớm nhất, tối thiểu là một vệt.

Ông Nguyễn Thanh Hoài, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Quốc lộ 7 và quốc lộ 16 là hai tuyến đường độc đạo đặc biệt quan trọng để tiếp cận, cứu trợ các vùng chịu thiệt hại nặng nề của bão lũ ở các địa phương Tương Dương, Kỳ Sơn cũ. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra là phải thông đường trong thời gian nhanh nhất để lực lượng cứu hộ, cứu trợ tiếp cận các vùng bị ảnh hưởng sớm nhất.

Sở Xây dựng Nghệ An cần chỉ đạo các đơn vị tăng cường máy móc, thiết bị đẩy nhanh tiến độ. Tại những vị trí không xảy ra sạt lở, đảm bảo an toàn thì làm cả đêm, làm việc 24/24h. Phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng sở tại để tiếp cận, nắm bắt tình hình tại các vị trí không có điện, không có sóng điện thoại. Khu Quản lý đường bộ II hỗ trợ tối đa nhân lực, máy móc, thiết bị và vật tư dự phòng cho tỉnh Nghệ An để khắc phục nhanh nhất những thiệt hại của bão lũ gây ra.

Quyết tâm thông tuyến QL7, QL16 nhanh nhất để cứu trợ đồng bào- Ảnh 3.

Mưa lũ tiếp tục chia cắt, cô lập nhiều khu vực dân cư

Xuất hiện vết nứt dài hơn 100 mét

Thông tin thêm, Sở Xây dựng Nghệ An cho biết, từ đêm 24/7, trên khu vực núi bản Xằng Trên (xã Mỹ Lý) xuất hiện một vết nứt lớn. Qua kiểm tra, vết nứt dài hơn 100m, vòng qua nhiều điểm trong bản, có nguy cơ sạt lở cao. Ngay trong đêm 24/7 và sáng 25/7, lực lượng chức năng đã sơ tán các hộ dân ở chân núi và khu vực nguy hiểm đến điểm an toàn. Chính quyền xã Mỹ Lý đang lập chốt theo dõi, cử người túc trực và khuyến cáo người dân không nên quay về nhà khi chưa có thông báo an toàn.

Theo thông tin cập nhật của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhiều địa phương ở Nghệ An có nguy cơ lũ quét, sạt lở, sụt lún đất trong thời gian tới.

Trong 6 giờ qua (từ 22 giờ ngày 24/7 đến 4 giờ ngày 25/7), khu vực các tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Nậm Manh 114,2mm, Nậm Hàng 2 106mm (Lai Châu), Phìn Ngan 95,8mm, Bản Liền 64,4mm, Yên Thế 51,4mm (Lào Cai), Tương Dương 21,6mm (Nghệ An),... Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.

Cảnh báo mưa trong thời gian tiếp theo: Trong 3-6 giờ tới, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa, với lượng mưa tích luỹ phổ biến như sau: các tỉnh Lai Châu và Lào Cai từ 20-50mm, có nơi trên 100mm; Nghệ An từ 10-20mm, có nơi trên 50mm.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 1. Lũ trên sông Cả đang ở báo động 3.

Cảnh báo tác động của lũ quét, sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.

Cục Quản lý Đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, tính đến 21 giờ ngày 24/7, trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn 24 xã bị cô lập với 196 thôn, bản/18.087 hộ/79.683 nhân khẩu, trong đó 2 xã bị cô lập hoàn toàn; 22 xã bị cô lập một phần. Ngoài ra, gần 1.900 ngôi nhà trong vùng mưa lũ vẫn đang bị ngập.

Trước tình hình mưa lũ nghiêm trọng, trong hai ngày 23 và 24/7, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Mai Văn Chính chủ trì đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Nghệ An.

Sáng 24/7, Bộ Quốc phòng đã huy động máy bay trực thăng thực hiện nhiệm vụ cứu trợ khẩn cấp cho người dân bị cô lập. Theo đó, tỉnh Nghệ An đã tổ chức 2 đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, phối hợp với Bộ Quốc phòng tiếp tế 6 tấn mỳ tôm, 4 tấn sữa, 6 tấn lương khô, 4 tấn nước bằng trực thăng cho các xã bị cô lập. Tỉnh Thanh Hóa tổ chức xử lý 4 sự cố đê điều, cắm biển cảnh báo và điều tiết giao thông tại 92 vị trí sạt lở đường giao thông.

Phan Trang

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng mưa bão để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lýXử lý nghiêm hành vi lợi dụng mưa bão để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Nhiều bản làng biên giới Nghệ An bị cô lập, kích hoạt toàn bộ lực lượng '4 tại chỗ'Nhiều bản làng biên giới Nghệ An bị cô lập, kích hoạt toàn bộ lực lượng '4 tại chỗ'