Phó Thủ tướng: Thu hút các nhà khoa học hàng đầu, từng bước làm chủ công nghệ hạt nhân

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đề nghị Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt tiếp tục quản lý, khai thác hiệu quả Lò phản ứng và hệ thống thiết bị nghiên cứu; tiếp tục nâng cao tiềm lực để vươn lên tiệm cận trình độ các nước tiên tiến.

Ngày 25/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đã đến thăm, làm việc với Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) tại tỉnh Lâm Đồng. 

Báo cáo với Phó Thủ tướng về tình hình hoạt động của Viện kể từ khi thành lập đến nay, định hướng hoạt động của Viện trong thời gian tới. Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt Cao Đông Vũ cho biết, viện là cơ sở duy nhất trong nước vận hành và khai thác Lò phản ứng hạt nhân. 

Hàng năm Viện đã đón tiếp hàng trăm lượt sinh viên và học viên cao học từ các trường đại học trên khắp cả nước đến thực tập tại các phòng thí nghiệm với nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ lò phản ứng hạt nhân, quan trắc phóng xạ môi trường, đo định liều bức xạ, ứng dụng đồng vị phóng xạ trong y tế, công nghệ bức xạ,… và ứng dụng lò phản ứng trong nghiên cứu cơ bản. 

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm việc với Viện Nghiên cứu hạt nhân tại tỉnh Lâm Đồng - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Đặc biệt, kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 đến nay, thời gian vận hành lò tăng lên trên 4.500 giờ/năm, gấp 3 lần so với trung bình hằng năm trước đây để bảo đảm đủ dược chất phóng xạ cung cấp cho các bệnh viện phục vụ việc chuẩn đoán và điều trị bệnh.

"Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, tập đoàn và tỉnh Lâm Đồng đều đánh giá cao vai trò, đóng góp của Viện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chăm sóc sức khoẻ; gợi mở định hướng hợp tác với Viện, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện để Viện tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới", ông Cao Đông Vũ phát biểu.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh với tầm nhìn rất sâu sắc, rất xa, rất chiến lược của Đảng, Nhà nước, ngay sau giải phóng, thống nhất đất nước, chúng ta đã tiếp quản, đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm việc với Viện Nghiên cứu hạt nhân tại tỉnh Lâm Đồng - Ảnh 3.

Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn (giữa ảnh) làm việc với cán bộ Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt ngay bên trong khu vực tháp phản ứng hạt nhân.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao cống hiến thầm lặng của nhiều thế hệ các nhà khoa học, cán bộ Viện, không chỉ trực tiếp phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước mà còn góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm việc với Viện Nghiên cứu hạt nhân tại tỉnh Lâm Đồng - Ảnh 4.Tạo cơ sở pháp lý triển khai chương trình điện hạt nhân của Việt NamĐỌC NGAY

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Viện tiếp tục quản lý, khai thác hiệu quả Lò phản ứng và hệ thống thiết bị nghiên cứu; tiếp tục nâng cao tiềm lực để vươn lên tiệm cận trình độ các nước tiên tiến.

Việc vận hành Lò phản ứng phải tuyệt đối tuân thủ quy định vận hành của quốc tế, coi đây là điều kiện tiên quyết tạo niềm tin với cộng đồng quốc tế; mở rộng hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực; tích cực tham gia đóng góp ý kiến, tham mưu cho lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ trong xây dựng quy chuẩn về an toàn hạt nhân cho hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của cả nước.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm việc với Viện Nghiên cứu hạt nhân tại tỉnh Lâm Đồng - Ảnh 4.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt báo cáo với Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn quá trình lịch sử hoạt động của đơn vị tại Nhà truyền thống của Viện.

Bênh cạnh đó, Viện cần có chương trình nghiên cứu dài hạn, bám sát định hướng phát triển khoa học công nghệ của Đảng, Nhà nước; chú trọng công tác đào tạo, thu hút các nhà khoa học hàng đầu - yếu tố quyết định thành bại của Viện – thông qua việc tận dụng tối đa chương trình học bổng với các nước và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA); từng bước làm chủ công nghệ hạt nhân.