
Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh trên, đặc biệt tại các xã/phường: Châu Tiến, Hữu Kiệm, Mường Quàng, Mường Xén, Quế Phong, Tiền Phong; Bình Chuẩn, Châu Hồng, Chiêu Lưu, Hùng Chân, Lượng Minh, Mường Lống, Nậm Cắn, Nga My, Quỳ Châu, Tri Lễ, Yên Hòa (tỉnh Nghệ An); Kiến Đức, Nhân Cơ, Quảng Tín; Đạ Huoai 2, phường 2 Bảo Lộc, phường 3 Bảo Lộc, Quảng Tân (tỉnh Lâm Đồng). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1.
Từ 17 giờ đến 20 giờ ngày 5/7, khu vực các tỉnh Nghệ An và Lâm Đồng đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Hữu Lập (Nghệ An) 83,4mm, Mường Xén (Nghệ An) 50,4 mm; Đăk Ru (Lâm Đồng) 52,2 mm, Quảng Tín (Lâm Đồng) 40,8mm;...
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Cơ quan khí tượng thủy văn kiến nghị các cơ quan chức năng tại địa phương lưu ý rà soát các điểm nghẽn dòng, các vị trí xung yếu trên địa bàn để có biện pháp phòng tránh, ứng phó.
Để phòng chống lũ quét, sạt lở đất, các chuyên gia về phòng chống thiên tai cho rằng, các tỉnh, thành phố cần phải sử dụng các giải pháp về công trình và phi công trình.
Đối với các biện pháp công trình, các tỉnh, thành phố cần thực hiện trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt là các khu vực thường gây ra lũ quét, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ lớp phủ thực vật, tăng khả năng giữ nước của lưu vực, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ, đồng thời xây dựng hồ chứa điều tiết lũ ở khu vực thường xảy ra lũ quét, khai thông các đường thoát lũ, xây dựng đê, tường chắn lũ quét, phân dòng lũ, xây dựng bổ sung các tràn sự cố ở các hồ chứa nước...
Đối với các biện pháp phi công trình, các địa phương cần lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét (nguy cơ cao; nguy cơ trung bình và vùng ít có khả năng xảy ra lũ quét). Bản đồ này là một trong những căn cứ quan trọng để địa phương đề ra các biện pháp phòng tránh lũ quét; quy hoạch sử dụng đất hạn chế phát triển trong vùng nguy cơ lũ quét cao.
Đối với các khu dân cư đã phát triển thiếu quy hoạch trước đây, các địa phương cần có quy hoạch lại và tái định cư, đưa đân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao.