Mô hình học 5 ngày/tuần ở Gia Lai ghi nhận tín hiệu tích cực

Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai đã triển khai thí điểm mô hình học 5 ngày/tuần tại một số trường THCS và THPT đủ điều kiện. Đây được xem là bước đi mới trong lộ trình đổi mới giáo dục toàn diện của địa phương.

Giảm áp lực - tăng thời gian nghỉ

Việc thí điểm mô hình học 5 ngày/tuần tại một số trường THCS và THPT ở Gia Lai không chỉ đơn thuần là điều chỉnh thời khóa biểu, mà còn thể hiện tư duy giáo dục hiện đại, lấy học sinh làm trung tâm. 

Khi được nghỉ thêm một ngày, các em có điều kiện nghỉ ngơi, phục hồi năng lượng và tham gia các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tiễn – những điều không thể học được chỉ qua sách vở. 

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, thời khóa biểu cần được sắp xếp linh hoạt, không cứng nhắc theo số tiết/tuần hay phân bố đều các môn, tránh tình trạng nhồi nhét kiến thức chỉ để nghỉ thứ Bảy. 

Hiện toàn tỉnh có gần 500 trường phổ thông. Việc tổ chức dạy học từ thứ Hai đến thứ Sáu thay vì cả tuần như trước được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng giáo dục, tạo sự cân bằng giữa học và nghỉ. Mô hình bước đầu nhận được sự đồng thuận từ nhà trường, phụ huynh và học sinh. 

Mô hình học 5 ngày/tuần ở Gia Lai ghi nhận tín hiệu tích cực- Ảnh 1.

Nhiều trường học ở huyện Phú Thiện triển khai thí điểm học 5 ngày/tuần.

Theo thầy Phan Công Đương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Thiện, toàn huyện hiện có 12 trường THCS với hơn 5.300 học sinh và trên 270 giáo viên – về cơ bản đáp ứng đủ điều kiện để triển khai mô hình học 5 ngày/tuần. Qua quá trình thí điểm, nhiều trường ghi nhận những tín hiệu tích cực, cả về thái độ học tập lẫn kết quả giữa kỳ của học sinh.

Trường THCS Nguyễn Trung Trực là một trong những đơn vị tiên phong đăng ký tham gia thí điểm. Thầy Nguyễn Văn Tỉnh, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: "Sau hơn 2 tuần thực hiện, việc nghỉ học chính khóa vào thứ Bảy đã tạo điều kiện để giáo viên có thêm thời gian trao đổi chuyên môn, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, thể thao. Học sinh cũng giảm áp lực học tập, có thêm cơ hội rèn luyện kỹ năng mềm".

Hướng đến giáo dục hiện đại

Thầy Đoàn Văn Hiệp, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản (huyện Phú Thiện), cho biết, nhà trường hiện có 24 lớp với hơn 1.000 học sinh và 46 giáo viên. Trong quá trình thí điểm mô hình học 5 ngày/tuần, nhà trường đã linh hoạt sắp xếp thời khóa biểu sao cho hợp lý và hiệu quả nhất. 

Các môn học nhẹ như: Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật được bố trí vào buổi học thứ Hai trong ngày, kết hợp cùng các hoạt động trải nghiệm và thể dục thể thao, giúp học sinh học tập nhẹ nhàng hơn.

“Mô hình này là bước thử nghiệm tích cực, phù hợp với định hướng giáo dục hiện đại. Khi giảm áp lực thời gian đến trường, học sinh có thêm cơ hội phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn kỹ năng sống. Nhà trường đã xây dựng lại kế hoạch giảng dạy để đảm bảo không giảm nội dung chương trình mà vẫn mang lại sự nhẹ nhàng, hiệu quả. Dù ban đầu còn một số băn khoăn, nhưng sau thời gian triển khai, cả phụ huynh và học sinh đều đón nhận tích cực", thầy Hiệp chia sẻ.

Mô hình học 5 ngày/tuần ở Gia Lai ghi nhận tín hiệu tích cực- Ảnh 2.

Mô hình học 5 ngày/tuần là một bước thử nghiệm tích cực, phù hợp với xu hướng giáo dục hiện đại.

Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã ban hành Công văn gửi đến các phòng GD-ĐT và các trường phổ thông trực thuộc, yêu cầu rà soát và đề xuất các đơn vị đủ điều kiện tham gia thí điểm dạy học 5 ngày/tuần ở cấp THCS và THPT.

Nội dung rà soát bao gồm cơ sở vật chất (số lớp, số phòng học lý thuyết, phòng bộ môn) và nhân lực (cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên), nhằm đảm bảo khả năng tổ chức dạy học chính khóa từ thứ Hai đến thứ Sáu. Việc nghỉ học vào thứ Bảy sẽ giúp học sinh có thêm thời gian tự học, rèn luyện kỹ năng, tham gia hoạt động trải nghiệm, góp phần phát triển toàn diện cả về năng lực và phẩm chất.

"Chuyển đổi số để phát triển nền giáo dục hiện đại cho hiện tại và tương lai"Từ cách giáo dục hiện đại của mẹ, cô bé 12 tuổi sở hữu riêng cho mình một công ty

Đối với các trường đủ điều kiện tổ chức thí điểm dạy học 5 ngày/tuần (nghỉ học chính khóa vào thứ Bảy), cần chủ động xây dựng kế hoạch thời gian thực hiện chương trình dựa trên đặc thù của từng môn học bắt buộc, môn học tự chọn, chuyên đề lựa chọn, hoạt động giáo dục bắt buộc và nội dung giáo dục địa phương.

Đáng lưu ý, các trường không bắt buộc phải giảng dạy tất cả các môn trong mọi tuần, cũng không cần chia đều số tiết mỗi tuần. Việc này nhằm sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, nhân viên hiện có. 

Đồng thời, tránh tình trạng dồn ép chương trình hay bố trí thời khóa biểu thiếu hợp lý chỉ để đạt mục tiêu nghỉ thứ Bảy. Điều này có thể gây áp lực ngược lại cho học sinh và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.