Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, mặc dù sắc xanh áp đảo trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới trong ngày giao dịch đầu tuần (13/5), tuy nhiên mức giảm mạnh của một số mặt hàng đã kéo chỉ số MXV-Index chốt ngày suy yếu nhẹ 0,08% về 2.300 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 6.900 tỷ đồng.
Lực mua chiếm ưu thế trên cả 3 nhóm nông sản, kim loại và năng lượng. Trong khi đó, trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, mức giảm rất mạnh của giá ca cao, đường và cà phê đã khiến chỉ số giá hàng hoá không thể giữ được đà tăng từ 2 ngày trước đó.
Kết thúc ngày giao dịch 13/5, giá dầu ghi nhận đà phục hồi nhờ khả năng gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng mình (OPEC+) trong cuộc họp đầu tháng 6 sắp tới. Ngoài ra, triển vọng nhu cầu cũng được đánh giá tích cực hơn khi thị trường đang dần bước vào mùa lái xe cao điểm. Đóng cửa, giá dầu WTI tăng 1,10% lên 79,12 USD/thùng. Dầu Brent tăng 0,69% lên 83,36 USD/thùng.
Hãng thông tấn quốc gia Iraq đưa tin vào cuối tuần qua biết Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq cam kết cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện theo thỏa thuận của nhóm OPEC đã đưa ra và mong muốn hợp tác với các nước thành viên trong nỗ lực đạt được sự ổn định hơn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Là nhà sản xuất lớn thứ hai của OPEC, chiếm khoảng 4,7% thị phần toàn cầu, nhưng Iraq đã vượt quá hạn ngạch sản lượng trong những tháng đầu năm nay. Điều này khiến Iraq cam kết sẽ phải cắt giảm sản xuất sâu hơn trong những tháng tới.
Theo các chuyên gia được Reuters khảo sát, phần lớn nhận định đưa ra rằng OPEC+ sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện cho đến cuối năm, khi các nhà lãnh đạo họp tại Vienna vào đầu tháng 6. Tâm lý mua trên thị trường dầu được thúc đẩy, nhất là khi giai đoạn quý III thường là mùa tiêu thụ cao điểm.
Tập đoàn lái xe AAA dự báo giá xăng dầu được hỗ trợ từ kỳ vọng nhu cầu xăng tăng mạnh của Mỹ, với hoạt động du lịch trong Ngày Tưởng niệm Mỹ (4/7) năm nay sẽ đạt mức cao nhất kể từ năm 2005, và số chuyến đi bằng đường bộ ở mức kỷ lục kể từ năm 2000.
Theo một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ có thể đã giảm trong tuần trước. Lượng hàng tồn kho giảm thường là dấu hiệu cho thấy nhu cầu đang cải thiện.
Cũng góp phần thúc đẩy giá dầu, các nhà đầu tư đang theo dõi khả năng gián đoạn nguồn cung dầu ở miền Tây Canada do tình trạng cháy rừng được cảnh báo. Sản lượng cát dầu của Canada hiện có công suất 3,3 triệu thùng/ngày, rất có thể bị ảnh hưởng khi bước vào mùa hè.
Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên tăng hơn 5% trong bối cảnh nguồn cung tiếp tục có chiều hướng thu hẹp. Sản lượng khí đốt tại 48 bang của Mỹ giảm xuống mức trung bình 97,2 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) từ đầu tháng 5 đến nay, giảm từ 98,1 bcfd trong tháng 4, thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục hàng 105,5 bcfd vào tháng 12 năm 2023. Như vậy, sản lượng khí đốt của Mỹ đã giảm khoảng 8% từ đầu năm đến nay, do một số công ty năng lượng bao gồm EQT và Chesapeake Energy, trì hoãn việc hoàn thành giếng khoan, tiến hành cắt giảm sản lượng sau khi giá giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm rưỡi vào quý I.
Giá ca cao lao dốc, đường và cà phê điều chỉnh giảm mạnhGiá ca cao thiết lập kỷ lục mới về biên độ biến động trong ngày của thị trường hàng hóa, khi đóng cửa ngày 13/5 lao dốc 19,4%, về mức thấp nhất gần 2 tháng. Những cơn mưa đầu mùa tại Tây Phi giúp giải tỏa áp lực về mặt tâm lý trên thị trường, đồng thời cải thiện phần nào điều kiện sản xuất ca cao, sau thời gian dài đối diện với tình trạng khô nóng.
Tuy vậy, phần lớn các thông tin cơ bản trên thị trường tiếp tục cho thấy sự lo ngại nguồn cung. Tính từ đầu vụ 2023-2024 (tháng 10/2023) đến ngày 12/5/2024, lượng ca cao được vận chuyển đến các cảng của Bờ Biển Ngà chỉ ở mức 1,406 triệu tấn, giảm mạnh 29,3% so với cùng kỳ vụ trước.
Cùng chung xu hướng, giá đường 11 giảm ngày thứ 4 liên tiếp, về mức thấp nhất 1 năm rưỡi. Triển vọng nguồn cung tích cực tại các quốc gia sản xuất hàng đầu tạo áp lực lớn lên giá.
Trong một diễn biến khác, giá Arabica đảo chiều giảm mạnh đầu tuần khi thị trường đón nhận thêm thông tin nguồn cung mở rộng.