Việt - Pháp: Từ đối đầu lịch sử đến đối tác chiến lược toàn diện

Từng trải qua những chương buồn trong lịch sử, quan hệ Việt – Pháp hôm nay là minh chứng sống động cho nỗ lực hàn gắn, vượt lên quá khứ để hướng tới tương lai.

Từ cựu thù trong chiến tranh, hai nước đã nỗ lực không ngừng để hòa giải, xây dựng lòng tin, phát triển hợp tác toàn diện và cùng vun đắp lợi ích chung.

Việt - Pháp: Từ đối đầu lịch sử đến đối tác chiến lược toàn diện- Ảnh 2.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Bidault chụp ảnh kỷ niệm trước cửa Dinh Thủ tướng, Paris, ngày 02/7/1946.

Không lâu sau đó, họ đã quay trở lại Việt Nam nhưng với một tư cách rất khác: Đến để hàn gắn. Ngày 20/12/1954, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chấp nhận cho Chính phủ Pháp lập cơ quan tổng đại diện tại Hà Nội.

Tháng 3/1956, Pháp đồng ý cho lập cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam tại Paris và tháng 8/1966, quan hệ hai nước được xây dựng trên cơ sở bình đẳng ở cấp tổng đại diện ở thủ đô mỗi nước.

Sau năm 1954, về cơ bản, Pháp thực hiện chính sách nhất quán là thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, coi đây là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại ở khu vực Đông Nam Á. Pháp cũng hy vọng Việt Nam sẽ đóng vai trò cầu nối hợp tác giữa Pháp và các nước trong khu vực, đặc biệt là bán đảo Đông Dương - vốn là thuộc địa cũ của Pháp. 

Trong chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, Chính phủ Pháp đã nhiều lần lên tiếng phản đối chính sách can thiệp của giới cầm quyền Mỹ chống Việt Nam. Ngày 29/8/1963, thay mặt nước Pháp, Tổng thống De Gaulle ra tuyên bố về lập trường của mình khẳng định Pháp mong muốn được thấy một Việt Nam độc lập bên ngoài, hòa bình và thống nhất bên trong, hòa hợp với các nước láng giềng.

Trong một tuyên bố ngày 1/9/1966 tại Campuchia về chiến tranh tại Việt Nam, Tổng thống De Gaulle đã cho rằng: Chính sự can thiệp của Mỹ là nguồn gốc gây ra chiến tranh và đòi Mỹ chấm dứt mọi hoạt động chiến tranh trên lãnh thổ Việt Nam.

Việt - Pháp: Từ đối đầu lịch sử đến đối tác chiến lược toàn diện- Ảnh 3.

Biểu tình phản đối chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam của các tầng lớp nhân dân Pháp trong những ngày diễn ra Hội nghị Paris, năm 1972.

Với thiện chí của mình, năm 1968 chính phủ Pháp đã đồng ý cho Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lập phòng thông tin tại thủ đô Pari và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam tại Pari trong những năm 1968 - 1973.

Không phải ngẫu nhiên mà các hội nghị về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam lại được thảo luận và sau đó đi đến ký kết tại Paris vào năm 1973. Sự ủng hộ ở một mức độ nhất định của Pháp có vai trò quan trọng trong tiến trình thúc đẩy hòa bình ở Việt Nam.

Và sự hàn gắn trong quan hệ Việt – Pháp chính thức có kết quả khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, ngay cả khi chiến tranh giữa Việt Nam với Mỹ chưa kết thúc.

Ngoài tư cách là cựu thù, ở thời điểm đó Pháp còn là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. 

Trong bối cảnh chiến tranh Lạnh với sự đối đầu ý thức hệ nặng nề giữa hai phe, hai khối, việc hai nước Việt - Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao có thể coi là một điều đặc biệt hiếm có. 

Trao đổi với Người Đưa Tin, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá sự hàn gắn của quan hệ Việt – Pháp có thể coi là một hình mẫu trong lịch sử quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh.

Nếu tính từ thời điểm sự kiện Điện Biên Phủ thì chỉ chưa đầy 20 năm sau đó, hai nước Việt – Pháp đã chính thức bắt tay lại với nhau. Sự hàn gắn nhanh chóng đó đến từ nỗ lực của cả 2 hai nước, vượt qua những thăng trầm của lịch sử và thử thách của thời đại nhưng cũng cho thấy giữa hai nước đã có những kết nối về văn hóa trong suốt 80 năm người Pháp hiện diện trước đó ở Việt Nam.

“Thất bại ở Điện Biên Phủ có thể coi là thất bại lớn nhất trong lịch sử nước Pháp nhưng dường như qua sự kiện này người Pháp đã hiểu rõ Việt Nam hơn. Cùng với những bước tiến của Việt Nam và quan hệ Việt - Pháp, sự hiểu biết đó ngày càng trở nên sâu sắc. Đó là cơ sở để xây dựng quan hệ hợp tác cho hai nước.

Hai nước nước Việt - Pháp đã từng có những chương thương đau trong quá khứ. Nhưng, quá khứ dạy cho người ta những bài học. Bài học không chỉ đến từ những thành công. Chính những thất bại mới dạy cho người ta những bài học sâu sắc nhất”, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc nói.

Việt - Pháp: Từ đối đầu lịch sử đến đối tác chiến lược toàn diện- Ảnh 5.

Tổng thống Pháp Francois Mitterrand thăm hầm De Castries tại Điện Biên Phủ chiều 10/2/1993.

Từ chuyến thăm lịch sử của ông Mitterrand, quan hệ Việt – Pháp đã bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Năm 1997, Tổng thống Pháp Jacques Chirac thăm Việt Nam nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Pháp ngữ tại Hà Nội và sau đó trở lại vào năm 2004 trong một chuyến thăm cấp nhà nước.

Trong chuyến thăm này, Tổng thống J. Chirac nhấn mạnh, vượt qua gánh nặng của quá khứ, Việt Nam và Pháp hoàn toàn có quyền gửi tới thế giới một thông điệp hòa bình, hợp tác và bác ái.

Nỗ lực vun đắp quan hệ tiếp tục được khẳng định trong chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vào năm 2005.

Tháng 9/2013, hai nước ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Pháp khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Pháp, đúng dịp kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

"Hôm nay chúng ta có thể cùng nhau vui mừng nói rằng con tàu quan hệ hai nước đã cập bến bờ của tình hữu nghị và hợp tác thành công, với việc lãnh đạo hai nước cùng tuyên bố xác lập quan hệ đối tác chiến lược Việt - Pháp", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Paris ngày 24/9/2013, cho rằng quan hệ "đặc biệt", đa lĩnh vực và nhiều cấp độ giữa hai nước đã chín muồi.

Việt - Pháp: Từ đối đầu lịch sử đến đối tác chiến lược toàn diện- Ảnh 6.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Pháp Francois Hollande dự tiệc chiêu đãi trong chuyến thăm năm 2016.

Năm 2016, ông François Hollande trở thành vị Tổng thống Pháp thứ 3 tới thăm Việt Nam với mong muốn chuyến thăm kết nối quá khứ với tương lai. Phát biểu tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Tổng thống François Hollande nhấn mạnh: “Lịch sử giữa hai nước có những giai đoạn khó khăn nhưng điều này không cản trở chúng ta đến với nhau”.

Còn trong phát biểu tại tiệc chiêu đãi cấp Nhà nước, ông Hollande khẳng định: “Quá trình phát triển của quan hệ song phương dựa trên một điểm rất quan trọng, đó là lòng tin - lòng tin lẫn nhau giữa chúng ta, lòng tin ở tương lai”.

Việt - Pháp: Từ đối đầu lịch sử đến đối tác chiến lược toàn diện- Ảnh 8.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm Cộng hòa Pháp, tháng 4/2018.

Trong chuyến thăm vào tháng 11/2018, Thủ tướng Philippe trở thành lãnh đạo cấp cao thứ hai của Pháp đến Điện Biên Phủ sau cố Tổng thống Mitterrand. Đến đặt vòng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ A1, thăm đồi A1, Đồi Độc Lập, Him Lam và hầm Chỉ huy của tướng De Castries, Thủ tướng Pháp nói: “Cuối cùng, và có lẽ quan trọng nhất, tôi cũng muốn nói rằng vì đã hòa giải được với quá khứ của mình, hai nước chúng ta đang mạnh mẽ hướng tới một tương lai chung".

Nối tiếp mạch phát triển, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Pháp (11/2021), sau khi dự hội nghị COP26 tại Anh. Một năm sau đó (12/2022), Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher thăm Việt Nam.

Trong chuyến thăm này, ông Larcher dẫn lại câu nói của Tổng thống J. Chirac trong chuyến thăm Việt Nam (năm 2004): “Tiếng nói của Việt Nam chạm đến trái tim của người Pháp”, đồng thời nhấn mạnh: “Và hôm nay tôi tin rằng tiếng nói của người Pháp cũng chạm đến trái tim của người Việt Nam.

Trong năm 2024, Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu đã thăm Việt Nam và dự lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - một minh chứng đậm nét cho tinh thần tôn trọng lịch sử và "gác lại quá khứ", hướng tới tương lai trong quan hệ hai nước.

Việt - Pháp: Từ đối đầu lịch sử đến đối tác chiến lược toàn diện- Ảnh 9.

Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu thăm di tích đồi A1 và hầm De Castries, tháng 5/2024.

Quan hệ Việt - Pháp được đánh một dấu mốc lịch sử mới khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, nhân chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (10/2024). Pháp trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu có quan hệ mới, toàn diện với Việt Nam.

Việc nâng cấp này đã tạo nền tảng quan trọng cho việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sâu sắc và hiệu quả.

Từ ngày 25-27/5 tới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam đầu tiên của Nguyên thủ quốc gia Pháp sau 9 năm cũng là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của hai nước sau khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, chuyến thăm thể hiện sự coi trọng và cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo cấp cao Pháp đối với việc củng cố và phát triển quan hệ với Việt Nam, đưa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện đi vào thực chất và hiệu quả. Đây là cơ hội tuyệt vời để lãnh đạo hai nước cùng thống nhất những bước đi mới để cụ thể các khuôn khổ đã định ra trong Đối tác Chiến lược toàn diện.

"Nhiều lĩnh vực, dự án cụ thể đang được hai bên bàn thảo sâu để thúc đẩy các ưu tiên kinh tế - thương mại - đầu tư, tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế. Việc ký kết các thỏa thuận hợp tác mới trong khuôn khổ chuyến thăm sẽ tạo động lực và cơ sở pháp lý quan trọng cho các hoạt động hợp tác giữa hai nước những năm tới", Đại sứ Đinh Toàn Thắng khẳng định.

Việt - Pháp: Từ đối đầu lịch sử đến đối tác chiến lược toàn diện- Ảnh 10.

Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Pháp, tháng 10/2024.

Thực hiện: Mạnh Quốc - Thiết kế: Quỳnh Chi