Triển khai thanh tra chuyên đề chống lãng phí trong quản lý tài sản công

(Chinhphu.vn) - Thanh tra Chính phủ sẽ triển khai thanh tra chuyên đề kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước từ ngày 1/1/2019 đến 1/7/2025.
Triển khai thanh tra chuyên đề chống lãng phí trong quản lý tài sản công- Ảnh 1.

Thanh tra Chính phủ- Ảnh: VGP

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch số 4238/KH-TTCP, khởi động đợt thanh tra chuyên đề nhằm phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhà nước.

Kế hoạch này thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tại Phiên họp thứ 27 và Chương trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo (Chương trình số 58/CTr-BCĐTW ngày 15/1/2025), cùng với sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình tại Văn bản số 744-VPCP-V.I ngày 24/02/2025 của Văn phòng Chính phủ.

Mục đích của kế hoạch nhằm phát hiện những bất cập trong cơ chế, chính sách và quy định pháp luật về quản lý, sử dụng cơ sở nhà, đất công, từ đó đề xuất các giải pháp sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo sử dụng tài sản công hiệu quả và tránh lãng phí.

Hoạt động thanh tra được yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật, tập trung vào các trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo đúng thời hạn và không gây cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức.

Kế hoạch nhấn mạnh việc phát hiện kịp thời các sai phạm, đề xuất biện pháp xử lý phù hợp, đồng thời đảm bảo tính bảo mật, chính xác, khách quan, trung thực, công khai và dân chủ trong báo cáo và thực hiện thanh tra.

Đặc biệt, kế hoạch xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến các hành vi gây lãng phí, từ đó đưa ra biện pháp xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật, nhằm chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả quản lý tài sản công.

Phạm vi thanh tra bao gồm việc kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước từ ngày 1/1/2019 đến 1/7/2025.

Đối tượng thanh tra là các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và các cá nhân có liên quan.

TIN LIÊN QUANThanh tra Chính phủ hướng dẫn thực hiện quy định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước liên quan đến chính quyền địa phương 2 cấpĐiều động, bổ nhiệm Bí thư tỉnh ủy Hải Dương giữ chức Phó Tổng Thanh tra thường trực Thanh tra Chính phủThanh tra Chính phủ đẩy nhanh tiến độ ban hành kết luận thanh traThanh tra Chính phủ đẩy nhanh tiến độ ban hành kết luận thanh tra

Nội dung thanh tra tập trung vào việc ban hành và thực hiện các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng nhà, đất; quản lý, sử dụng, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, định giá và bán tài sản trên đất theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt; quyết định chủ trương đầu tư dự án, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư trên cơ sở nhà, đất, tiến độ thực hiện, bố trí vốn và quyết toán dự án; sử dụng nhà, đất đúng mục đích, đối tượng, định mức, tiêu chuẩn và chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất khi tái cơ cấu, tinh gọn bộ máy hoặc di dời.

Bên cạnh đó, xử lý kịp thời các cơ sở nhà, đất không sử dụng, không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả, gây cản trở phát triển kinh tế - xã hội; xác định đơn giá giao đất, cho thuê đất, miễn giảm tiền sử dụng đất, định giá tài sản trên đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và công khai kết quả xử lý các hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng nhà, đất.

Kế hoạch đặc biệt chú trọng đến việc phát hiện các hành vi gây lãng phí, chẳng hạn như sử dụng nhà, đất không đúng mục đích, cho thuê, cho mượn, hợp tác, kinh doanh, liên doanh, liên kết không đúng quy định; giao đất, cho thuê đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất không đúng trình tự, định mức hoặc quy hoạch; không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, nợ đọng hoặc trốn tránh nghĩa vụ tài chính liên quan đến nhà, đất; sử dụng cơ sở nhà, đất kém hiệu quả, không đạt mục tiêu đề ra hoặc gây cản trở phát triển kinh tế - xã hội.

Về tổ chức thực hiện, Thanh tra Chính phủ giao Cục Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Cục IV) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để hướng dẫn Thanh tra các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước và Thanh tra các tỉnh thực hiện nội dung, thời kỳ và đối tượng thanh tra. Cục IV cũng chịu trách nhiệm thành lập tổ công tác để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc và tổng hợp kết quả thanh tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương.

Thanh tra Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước và Thanh tra các tỉnh được yêu cầu khảo sát, nắm tình hình để xây dựng kế hoạch thanh tra phù hợp với thực tế, báo cáo tiến độ trước ngày 30/8/2025 và tổng hợp kết quả theo đề cương của Thanh tra Chính phủ.

Thời gian thanh tra kéo dài 45 ngày làm việc thực tế, bắt đầu từ ngày công bố Quyết định thanh tra, không tính ngày lễ, Tết hoặc ngày nghỉ theo quy định.

Kế hoạch thanh tra chuyên đề này mang ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện và xử lý các hành vi gây lãng phí, đồng thời góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý tài sản công.

Việc triển khai thanh tra đồng bộ tại các bộ, ngành và địa phương sẽ giúp tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong quản lý, sử dụng nhà, đất công; phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm; đề xuất các giải pháp cải cách chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Kế hoạch đặc biệt chú trọng đến việc phát hiện các hành vi gây lãng phí, chẳng hạn như sử dụng nhà, đất không đúng mục đích, cho thuê, cho mượn, hợp tác, kinh doanh, liên doanh, liên kết không đúng quy định; giao đất, cho thuê đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất không đúng trình tự, định mức hoặc quy hoạch; không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, nợ đọng hoặc trốn tránh nghĩa vụ tài chính liên quan đến nhà, đất; sử dụng cơ sở nhà, đất kém hiệu quả, không đạt mục tiêu đề ra hoặc gây cản trở phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn Thắng