TP Hồ Chí Minh: Người đàn ông 53 tuổi bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn

Ngày 28/7, Bệnh viện thành phố Thủ Đức cho biết, khoa Nội tổng hợp vừa tiếp nhận và điều trị cho ông L.Đ.D. (53 tuổi, ngụ tại phường Hiệp Bình, TP Hồ Chí Minh) mắc liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus suis) với biểu hiện viêm màng não, sốt, đau đầu lan vai gáy và ù tai hai bên.

Ngay khi nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán viêm màng não do Streptococcus suis và được điều trị tích cực bằng kháng sinh Ceftriaxon liều cao kết hợp với thuốc kháng viêm. Bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ thông qua việc chọc dò dịch não tủy định kỳ để đánh giá đáp ứng điều trị.

Chú thích ảnh Sau 7 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện đáng kể. Ảnh: BV

Được biết, bệnh nhân làm nghề giết mổ lợn, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với lợn mà không sử dụng thiết bị bảo hộ. Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Hoài Thu, khoa Nội Tổng hợp cho biết, mặc dù bệnh nhân không có thói quen ăn tiết canh hay thịt tái, nhưng việc tiếp xúc trực tiếp với lợn không có bảo hộ đã khiến vi khuẩn Streptococcus suis xâm nhập vào cơ thể.

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Hoài Thu, liên cầu khuẩn lợn là tác nhân gây bệnh nguy hiểm, có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm màng não, nhiễm trùng huyết và đặc biệt là mất thính lực vĩnh viễn. Người làm nghề giết mổ lợn cần đặc biệt chú ý các biện pháp phòng ngừa như sử dụng đồ bảo hộ đầy đủ, tránh tiếp xúc trực tiếp với máu và các dịch tiết của lợn. Khi có các dấu hiệu như sốt, đau đầu, đau cổ gáy, ù tai cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Sau 7 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân D. đã cải thiện đáng kể, tỉnh táo, giảm đau đầu và đau vai gáy, không còn sốt. Tuy nhiên, biến chứng điếc tai vẫn chưa hồi phục, có thể để lại di chứng lâu dài.

Theo các bác sĩ, bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người có thể diễn tiến rất nhanh và hiện chưa có vaccine phòng bệnh. Vì vậy, người dân cần tuyệt đối không ăn tiết canh, nem chưa đủ ngày chưa đủ độ chua, thịt lợn chưa được nấu chín kỹ hoặc các sản phẩm chế biến không bảo đảm vệ sinh; đồng thời tránh giết mổ, chế biến lợn ốm hoặc nghi mắc bệnh nếu không có bảo hộ lao động.