Trong làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, blockchain được xem là một công nghệ “chìa khóa” cho chuyển đổi số và xây dựng nền tảng công nghệ thông tin tương lai. Theo cuốn sách “Mastering Bitcoin” của tác giả Antonopoulos, Blockchain được định nghĩa là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối (block) được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian, do đó nó được gọi là chuỗi khối hay blockchain. Mỗi khối (block) này chưa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo, các thông tin giao dịch và được liên kết với các khối trước đó thông qua thông tin hàm băm (hash).
Với cấu trúc, đặc điểm và nguyên lý hoạt động khác biệt, blockchain có những tính chất hoàn toàn khác so với các công nghệ hay phương pháp lưu trữ thông tin khác trên thị trường hiện nay. Các tính chất này bao gồm:
Tính tin cậy
Khi nhắc đến blockchain, tính chất đầu tiên sẽ được nhắc tới là tính tin cậy. Giao dịch trong blockchain được ký số bởi thuật toán ECDSA – một thuật toán ký số mà khả năng giả mạo chữ ký là rất nhỏ, bởi yêu cầu tài nguyên tính toán lớn. Thêm nữa, việc sử dụng hàm băm mật mã trong cả quá trình từ khởi tạo giao dịch tới lúc lưu vào chuỗi khối là một yếu tố gia tăng thêm sự tin cây. Toàn bộ các giao dịch đều được tóm lược và lưu trữ trong header của block. Quá trình kiểm tra các block và giao dịch cũng diễn ra nhiều lần với nhiều lớp.
Tính không thể đảo ngược
Dữ liệu giao dịch sẽ không thể thay đổi sau khi lưu vào chuỗi khối; giao dịch được lưu trữ trong block, các block lại được liên kết với nhau. Trong ID của một block có “dấu vết” của toàn bộ các giao dịch từ đầu, cộng thêm các yếu tố ngẫu nhiên. Do đó, việc làm lại sổ sẽ đòi hỏi tài nguyên tính toán rất lớn, vì có sự liên quan đến các block trước và chi phối toàn bộ các block sau.
Tính bền vững
Hệ thống blockchain hình thành và phát triển đến khi đủ lớn sẽ trở nên chắc chắn, không thể phá vỡ. Nguyên tắc đồng thuận phi tập trung khiến việc kiểm tra và xác thực ngày càng được gia tăng theo số node mạng tham gia. Hơn thế, mạng ngang hàng mang lại khả năng tính toán cao, không có nút cổ chai nên việc tấn công rất khó xảy ra. Nếu có sự cố ở một node thì các nút còn lại vẫn có thể hoạt động bình thường với dữ liệu đã được đồng bộ. Các dữ liệu này cũng không thể bị xóa bỏ hay thay đổi sau khi đã lưu vào chuỗi.
Tính sẵn sàng
Các node mạng của blockchain được đặt ở nhiều nơi, nhiều khu vực địa lý khác nhau, nên tính sẵn sàng được đảm bảo. Việc tham gia mạng blockchain không đòi hỏi sự cấp phép của một đơn vị quản lý tập trung, nên thường dẫn tới số node mạng ngày càng gia tăng. Khi một máy bị lỗi và khôi phục lại, nó sẽ tự động kết nối và đồng bộ lại dữ liệu. Dữ liệu được lan truyền đi rộng khắp trên thế giới, không phát sinh thêm chi phí địa lý, vận chuyển,… tiết kiệm thời gian và công sức.
Đây là những yếu tố khiến thế giới vô cùng bất ngờ về công nghệ blockchain và là những yếu tố quyết định sự thành công của công nghệ này trong ứng dụng thực tiễn. Hãy tìm hiểu thêm những kiến thức hữu ích về công nghệ blockchain tại chuyên đề “Blockchain - Giới thiệu về công nghệ chuỗi khối”, được hướng dẫn bởi ông Nguyễn Ngọc Tú - Giám đốc điều hành của Tổ chức Trí tuệ nhân tạo Việt (VietAI).
Thảo Mai