Tin ở hoa hậu

Rất nhiều người, có cả nước ngoài, hôm qua xôn xao vì việc hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố, tội trạng thì ai cũng biết cả rồi, không cần nhắc lại nữa, nhưng chúng ta vẫn thấy xót.

Rất nhiều người, có cả nước ngoài, hôm qua xôn xao vì việc hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố, tội trạng thì ai cũng biết cả rồi, không cần nhắc lại nữa, nhưng chúng ta vẫn thấy xót, bởi chả hiểu từ đâu, tôi, và nhiều người nữa, thường có quan niệm, và mong mỏi thế, phàm là người đẹp, là hoa hậu, thì không tì vết, thì hoàn hảo, thì nhìn góc nào cũng đẹp.

Tất nhiên đấy là một yêu cầu vô lý, nhưng biết làm sao được. Nó cũng như một thời, thế hệ chúng tôi ấy, coi thầy cô, nhất là cô giáo, là vẻ đẹp toàn mỹ, là cái đúng vô đối. Bố mẹ nói có thể còn cãi lại, chứ phàm đã cô nói thì chỉ có đúng trở lên, bạn gái có thể... chưa xinh chứ cô giáo, nhất là cô chủ nhiệm, là phải xinh toàn diện.

Bây giờ, có vẻ như, mọi thứ nó dễ phơi ra hơn, nó có vẻ mỏng hơn, có vẻ lý tính hơn, có vẻ như ảnh hưởng sự tác động nhạy cảm hơn, nên cái sự thiêng liêng, cái khoảng mong manh thiên thần để cái tốt cái đẹp nó bí ẩn, nó hồi hộp, nó dễ tưởng tượng hơn, khiến cho có những sự thật không muốn tin nhưng vẫn cứ bị phơi ra.

Tin ở hoa hậu- Ảnh 1.

Hoa hậu Thùy Tiên và các bị can tại cơ quan công an. Ảnh: Bộ Công an

Hoa hậu là luôn gắn với cái đẹp. Đương nhiên rồi. Và nó phải cố vươn tới sự toàn diện. Thường thì người ta đánh giá cao hoa hậu ở vẻ đẹp hình thể, nên có hẳn bộ phận cân đo rất cụ thể, có hẳn công thức tỉ lệ như 90-60-90, còn vẻ đẹp trí tuệ có thể châm chước. Nhưng dẫu châm chước thì, không hơn người cũng phải bằng người. Nhiều hoa hậu nước ta đạt được điều này, bằng những ứng xử thông minh, bằng những câu trả lời đầy trí tuệ.

Nhưng không phải ai cũng đạt được thế.

Đã từng có rất nhiều ứng xử buồn cười, câu trả lời ngớ ngẩn.

Nhưng tôi vẫn quả quyết, lỗi không phải tại cô hoa hậu ấy. Giữa sân khấu lộng lẫy thế, giữa khoảnh khắc ấy, giữa không khí ngùn ngụt ấy, không phải ai cũng có thể đủ hoạt ngôn để trình bày ý kiến của mình.

Cho đến khi, lâu rồi, giờ tôi không biết là còn không, rằng trong các cuộc thi hoa hậu và tương đương hoa hậu ấy, có hẳn một bộ câu hỏi và đáp án để họ học thuộc lòng và trả lời.

Tôi không tin lắm là tất cả các cuộc thi đều như thế, nhưng chí ít là ở cuộc thi người đẹp một tỉnh nọ, tôi đã thấy bộ "phao" như thế. Và buồn cười là, dẫu thế nhưng có người vẫn trả lời ngắc ngứ.

Và sau đấy mới biết nữa là, những bộ "phao" như thế có ở nhiều sự kiện, từ tọa đàm ngày phụ nữ, ngày 20/11, ngày này ngày kia, tới các cuộc thi, và kỳ lạ nữa, bạn tôi kể, cả ở các cuộc "đối thoại". Có địa phương kia tổ chức đối thoại với học sinh, giáo viên được giao chuẩn bị câu hỏi, khi được đưa lên bị hỏi lại: câu trả lời đâu?

Thế thì lại càng khẳng định, lỗi không phải từ các... hoa hậu.

Và nữa, chúng ta tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu quá.

Cái này lại phải mở ngoặc, quả là, nếu một đất nước mà toàn hoa hậu thì đấy chính là hồng phúc của dân tộc ấy, ít nhất là hồng phúc của đàn ông đất nước ấy. Trong nhà mà có một bà vợ hoa hậu thì còn gì bằng, thì việc gì phải đi xem thi hoa hậu nữa.

Nhưng ông giời luôn công bằng, ông ấy cho người này sắc đẹp thì cho người kia trí tuệ. Số người mà có cả trí tuệ và nhan sắc nó hiếm lắm, có thể là do lỗi của ông giời, ông ngủ gật, ông lơ đãng, ông quan liêu gì gì đó chứ tôi không nghĩ là ông tiêu cực như ở trần giới, nên những người mà vừa có nhan sắc vừa có trí tuệ nó hiếm vô cùng, bởi giời rất ít khi lỗi. Và trong không khí mà không ai chịu ai, ai cũng nghĩ mình đẹp, và không chỉ mình nghĩ mà người liên quan cũng nghĩ thế, nên có câu "Cái đẹp không phải trên gò má thiếu nữ mà trong đôi mắt những gã đa tình", thì những cuộc thi hoa hậu ra đời, để phân định, để tôn vinh, để khẳng định, để cái đẹp thứ thiệt lên ngôi.

Tôi cũng tin là các hoa hậu nước ta đều đẹp, từng đẹp, dù sau một số cuộc thi, kể cả những cuộc thi lớn, vẫn có những xì xào. Còn các cuộc thi không lớn, mà một số người... ghét cái đẹp, ghen tị với cái đẹp... gọi là cuộc thi ao làng ấy, thì càng nhiều điều tiếng. Nhưng có hề chi, chỉ vào tới top 20 là đã có quyền xưng danh: "em là XYZ, top 20 hoa hậu..., xin chào quý zị" rồi.

Nhưng quả là, khi đã mang vác cái danh hiệu hoa hậu trên vai, dẫu là hoa hậu gì đi nữa, thì nó áp lực ghê gớm. Từ cách đi cách đứng cách ngồi, tới ăn nói ứng xử... đều bị vinasoi. Nên năm nào đấy, cháu hoa hậu rất trẻ, ngủ trên máy bay thì phải, hớ hênh một chút, bị thiên hạ đàm tiếu như chuyện... lợn đẻ trứng. Trời ạ, đã ngủ thì chuyện hớ hênh chút nó cũng bình thường, lỗi là tại chúng ta không chịu nhìn họ lúc thức. Mà ngay cả lúc thức, họ hớ hênh cũng còn cả trăm ngàn lý do để biện minh kia mà. Thì cứ nhìn cái thảm đỏ ở các liên hoan phim quốc tế đấy, toàn minh tinh nổi tiếng nhé, cũng khối chuyện... hớ hênh, tới mức nghe đâu năm nay ban tổ chức phải có những quy định rất chặt chẽ về trang phục, cụ thể là váy xống, thế mà rồi nghe đâu vẫn có những hớ hênh cố tình. Nước ta cũng có những người đẹp, kỳ nào cũng phải tới đấy chụp vài kiểu ảnh rồi về vì không có phim tham dự.

Lại nhưng mà, đến phải khởi tố rồi bị bắt giam như cô hoa hậu Thùy Tiên này thì đau xót quá. Ngoài chuyện tự hủy hoại thanh danh sự nghiệp của mình, thì cô này còn cái tội rất lớn là làm nhiều người hoài nghi về cái đẹp, ít nhất là hoài nghi về các hoa hậu, dẫu tất cả các hoa hậu đều không ai như Thùy Tiên. Nhưng biết làm sao, nghi ngờ là quyền của công chúng.

Nghĩ cho cùng, hoa hậu cũng là con người, trước khi là hoa hậu họ cũng là cô gái bình thường, rồi họ được ban giám khảo trao cho cái băng, cái quyền trượng, cái vương miện hoa hậu, và họ thành hoa hậu, vậy thì họ cũng có quyền... sai lầm, có "quyền"... bị bắt, đi tù, và cải tạo thành người tốt.

Và chúng ta, thì bên cạnh nghi ngờ, vẫn có cái quyền rất to, ấy là, tin ở hoa hậu. Lại nhớ nhà thơ nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ có một vở kịch rất nổi tiếng "tin ở hoa hồng", đến giờ vẫn rất nổi tiếng.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả