Sẵn sàng các kịch bản cung ứng điện cao điểm nắng nóng'

Cao điểm tiêu thụ điện hàng năm thường trong khoảng 4 tháng, tầm từ tháng 5 - 8 dương lịch, nhưng năm 2025 lại có 2 tháng 6 âm lịch nên cao điểm này sẽ tăng thêm 1 tháng. Do đó, việc đảm bảo điện cho mùa nắng nóng năm nay sẽ có thêm nhiều khó khăn.
Cần huy động tối đa các nguồn điện hiện hữu đảm bảo cung ứng điện nắng nóng. (Ảnh Internet) Cần huy động tối đa các nguồn điện hiện hữu đảm bảo cung ứng điện nắng nóng. (Ảnh Internet)

Cần lưu ý kịch bản thời tiết cực đoan

Ông Nguyễn Đức Ninh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO) cho biết, ước tính phụ tải điện lũy kế đến hết tháng 4/2025 đạt khoảng 98,7 tỷ kWh. Trong thời gian đó, hệ thống điện có phát sinh các tình huống ảnh hưởng đến khả năng đảm bảo cung ứng điện nhưng cung cấp điện trong 4 tháng đầu năm vẫn được bảo đảm.

Theo các dự báo của Bộ Công Thương, khả năng đảm bảo cung ứng điện trong năm 2025, đặc biệt các tháng cao điểm mùa khô vẫn sẽ được duy trì ổn định. Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công Thương) Đoàn Ngọc Dương lưu ý, có thể vẫn xảy ra những trường hợp cực đoan, ví dụ như tăng trưởng phụ tải đột biến hoặc là thời tiết cực đoan, lưu lượng nước về hồ thủy điện có thể thấp hơn so với trung bình nhiều năm.

Trong đó, cần lưu ý thời gian nắng nóng có thể kéo dài, nhất là trong thực tế, năm 2025 có tới 2 tháng 6 âm lịch, trùng đúng với cao điểm nắng nóng. Chưa kể, có thể có tình huống cực đoan xảy ra khi các tổ máy điện có thể bị sự cố do quá trình vận hành đầy tải liên tục lại trùng đúng vào cao điểm nắng nóng. “Trong những trường hợp đó, chúng ta đã và đang tiếp tục xây dựng những kế hoạch ứng phó để đảm bảo sẵn sàng những đơn vị liên quan có thể xử lý, giải quyết nhanh, đảm bảo an ninh an toàn cung ứng điện” - ông Dương nói.

Cụ thể, NSMO đã xây dựng nhiều kịch bản tính toán khác nhau. Trong đó có xét đến kịch bản cực đoan nhằm đánh giá khả năng bảo đảm cung cấp điện, kịch bản thuận lợi nhằm đánh giá nhu cầu nhiên liệu trong trường hợp nhu cầu không cao và kịch bản điều chỉnh huy động thủy điện Sơn La để tăng dung tích phòng lũ, nâng cao mức độ an toàn trong thời gian thi công thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng điện

Ngay từ cuối năm 2024, Bộ Công Thương đã chủ động rà soát và xây dựng kế hoạch cung ứng điện cho năm 2025. Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8% trong năm nay, nhu cầu điện được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng trên 12% theo kịch bản Bộ Công Thương đặt ra để điều hành. Trên cơ sở này, ngay từ đầu năm, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp trong ngành điện đáp ứng cung ứng điện với nhiều nhóm giải pháp.

Trong đó, việc đầu tiên là các nhà máy điện, các đơn vị truyền tải, phân phối sẽ phải đảm bảo kế hoạch liên quan đến duy tu, bảo dưỡng để các tổ máy phát điện, những thiết bị điện trong hệ thống sẵn sàng cao nhất để đáp ứng nhu cầu điện trong năm. Bên cạnh đó, các nhà máy điện và các đơn vị cung ứng nhiên liệu chủ chốt cho phát điện như than, dầu, khí… phải lên kế hoạch và đảm bảo ít nhất là lượng lưu trữ, tồn trữ trong nhà máy cũng như trong kho chứa để cung ứng điện trong những giai đoạn cao điểm.

Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ sát sao thúc đẩy và đôn đốc quyết liệt việc hoàn thành tiến độ một số công trình điện quan trọng theo kế hoạch sẽ vận hành trong năm 2025 của một số dự án nguồn điện. Ví dụ như hai tổ máy của Thủy điện Hòa Bình mở rộng, hai tổ máy của Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4 và một số dự án nguồn điện khác… Song song đó, đặt mục tiêu phải thúc đẩy nhanh một số dự án lưới điện quan trọng để đưa vào vận hành. Ví dụ như dự án lưới điện 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên đang được yêu cầu phải hoàn thành trong dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9 nhằm giải tỏa công suất thủy điện ở khu vực phía Bắc để đưa về trung tâm phụ tải khu vực Hà Nội.

Đồng thời, yêu cầu NMSO phải chuẩn bị sẵn những kịch bản, xây dựng và cập nhật những tình huống, tình hình liên quan đến thay đổi đột ngột về phụ tải hoặc thay đổi về điều kiện thủy văn, thời tiết; Từ đó chuẩn bị sẵn những kịch bản điều hành và huy động hợp lý những nguồn điện khác nhau đáp ứng nhu cầu điện trong những thời điểm cao điểm.

Theo ông Dương, một giải pháp cũng khá hiệu quả, được thực hiện liên tục từ nhiều năm nay là tăng cường tiết kiệm điện. Bởi khi thực hiện tiết kiệm điện tương đương như việc giảm được nhu cầu, đặc biệt là vào những thời điểm cao điểm. Theo thống kê của Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI), trong 3 tháng đầu năm 2025, lượng điện tiết kiệm được của khối khách hàng sinh hoạt (khối khách hàng sử dụng lớn nhất của EVNHANOI) đạt hơn 56 triệu kWh, giảm hơn 10 triệu kWh so với cùng kỳ năm 2024, tỷ lệ giảm tương đương khoảng 15,2%. Do đó, dư địa tiết kiệm điện để đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng còn khá nhiều.

Ông Dương đánh giá, thực tế hiện nay là hệ thống hạ tầng cung ứng điện của Việt Nam vẫn còn yếu và thiếu. Trong các tình huống cực đoan như thiếu nước cho thủy điện hoặc nắng nóng kéo dài khiến phụ tải tăng đột ngột thì nguy cơ thiếu điện hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, các giải pháp căn cơ như sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, để đảm bảo cung ứng điện ổn định trong cao điểm nắng nóng 2025, theo ông Dương, cần huy động tối đa được nguồn lực hiện hữu sẵn có để chuẩn bị tốt nhất cho các kịch bản, tình huống có thể xảy ra nhằm ứng phó những trường hợp cực đoan đã dự báo.

Để thực hiện tốt việc này, các Tập đoàn, Tổng Công ty và chủ đầu tư các nhà máy điện phải tăng cường phối hợp chặt chẽ với NSMO trong việc tính toán, cập nhật và công bố nhu cầu huy động điện bảo đảm bám sát thực tế và đủ thời gian để các chủ đầu tư nhà máy điện chuẩn bị đủ nguồn nhiên liệu, phục vụ cho việc phát điện. Đồng thời, các đơn vị phải chủ động thực hiện nghiêm việc dự trữ than để sẵn sàng cho phát điện.

 

Bộ Công Thương sẽ sát sao thúc đẩy và đôn đốc quyết liệt việc hoàn thành tiến độ một số công trình điện quan trọng theo kế hoạch sẽ vận hành trong năm 2025 của một số dự án nguồn điện.