Phối hợp chặt chẽ trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại

Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan (Chi cục Hải quan khu vực VIII) Kiều Văn Ninh cho biết, dự báo trong thời gian tới, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (tuyến đường bộ và tuyến đường biển) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ diễn biến gia tăng nếu các lực lượng chức năng không kiểm soát chặt chẽ.

Theo đại diện Ban Chỉ đạo 389 (Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) tỉnh Quảng Ninh, các đối tượng tiếp tục lợi dụng địa hình tuyến biên giới đường bộ, trên biển phức tạp, trong khi đó, lực lượng chức năng còn mỏng, thiếu phương tiện hoạt động để vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới với các mặt hàng cấm, hàng có trị giá cao… Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn, hoạt động ngày càng tinh vi, lợi dụng sàn thương mại điện tử và dịch vụ chuyển phát, giao hàng qua hệ thống các doanh nghiệp bưu chính để kinh doanh, vận chuyển các mặt hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ...

Chú thích ảnh Một vụ phát hiện nhiều lô hàng giả, gian lận thương mại. Ảnh tư liệu: Nguyên Linh/TTXVN

Tăng kiểm soát, giảm số vụ
 
Theo Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh, trong 5 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.084 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trị giá hàng hóa vi phạm 12 tỷ đồng (giảm 12% về số vụ, giảm 27% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024); trong đó, xử lý hình sự 30 vụ/48 đối tượng (tăng 36,4% về số vụ, tăng 37,2% về số đối tượng so với cùng kỳ năm 2024). Xử lý vi phạm hành chính 1.052 trường hợp (giảm 18,4% về số trường hợp so với cùng kỳ năm trước). Cụ thể, xử phạt vi phạm hành chính về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tổng cộng 819 trường hợp với số tiền bán hàng tịch thu là 10,4 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực thuế nội địa tổng cộng 233 trường hợp với số tiền phạt và truy thu thuế trong nội địa là 55,7 tỷ đồng.
 
Các ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 các địa phương đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp trong trao đổi thông tin, tuần tra kiểm soát... nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; qua đó, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý tổng số 91 vụ (chiếm 12% tổng số vụ bắt giữ trong toàn tỉnh), trị giá 2,76 tỷ đồng (chiếm 35% tổng trị giá bắt giữ trong toàn tỉnh). Những kết quả đạt được đáng ghi nhận trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nêu trên là nhờ sự chủ động, quyết liệt của các cơ quan, đơn vị và công tác phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng trong tỉnh.
 
Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã phối hợp với Cơ quan điều tra Công an tỉnh, Tòa án tỉnh xác định 12 vụ án điểm đối với loại tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để tập trung khởi tố điều tra, truy tố, xét xử nhanh, góp phần tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho quần chúng nhân dân, răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.
 
Diễn biến còn phức tạp
 
Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã ban hành tổng số 15 văn bản chỉ đạo, triển khai một số nội dung nổi bật như: kế hoạch công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2025; Công văn về việc tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới... Tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn số 1510/UBND-TC ngày 17/5/2025 về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.  
 
Theo đánh giá của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh, ở khu vực nội biên, cửa khẩu, do có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu nên hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu được kiểm soát chặt chẽ, tuy nhiên, do lượng khách du lịch Trung Quốc có thời điểm tăng cao, nên một số đối tượng lợi dụng cất giấu trong hành lý mang theo điện thoại di động đã qua sử dụng khi xuất cảnh, nhập cảnh nhưng không khai báo với cơ quan Hải quan.
 
Khu vực đường mòn, lối mở dọc toàn tuyến biên giới cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên, hoạt động vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm vẫn tiềm ẩn yếu tố phức tạp; ngoài ra, các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp, đã phát hiện, bắt giữ một số vụ vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm như thuốc lá, pháo nổ; gia cầm, gia cầm giống, sản phẩm gia cầm, gia súc...
 
Tuyến đường biển, khu vực bến bãi ven biển thuộc thành phố Móng Cái và huyện Hải Hà các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát nên các hoạt động vận chuyển trái phép hàng hóa trên địa bàn cơ bản đã được kiểm soát. Tại các huyện, thành phố: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, hoạt động mua bán, vận chuyển xăng dầu, khoáng sản không rõ nguồn gốc còn diễn ra nhưng với quy mô, tính chất nhỏ lẻ.
 
Trong nội địa, hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ còn diễn ra. Thời gian gần đây, các mặt hàng bắt giữ chủ yếu như: mỹ phẩm, giày dép giả mạo nhãn hiệu, nầm lợn đông lạnh, xúc xích... Hoạt động kinh doanh, vận chuyển trái phép “khí cười” N2O có diễn ra tại một số tụ điểm vui chơi, giải trí ở Cẩm Phả, Hạ Long (quán bar, karaoke…) và khu vực biên giới thành phố Móng Cái.