Nhiều nạn nhân vẫn “sập bẫy” những chiêu lừa đảo tưởng đã… lỗi thời

Theo Công an TP.Đà Nẵng, mặc dù hình thức lừa đảo không mới, cũng chưa hẳn đã tinh vi, nhưng không hiểu vì sao vẫn có nhiều người "sập bẫy" với số tiền lên tới hàng trăm, thậm chí cả tỷ đồng.

Ngày 1/7, Công an TP.Đà Nẵng cho biết, mặc dù các cơ quan chức năng đã liên tục đưa ra cảnh báo, tuy nhiên, tình trạng lừa đảo qua mạng thời gian gần đây vẫn tiếp tục nở rộ.

Đáng chú ý, mặc dù hình thức lừa đảo không mới, cũng chưa hẳn đã tinh vi, nhưng không hiểu vì sao vẫn có nhiều người "sập bẫy" với số tiền lên tới hàng trăm, thậm chí cả tỷ đồng.

Qua theo dõi, cập nhật tin báo từ công an các đơn vị, địa phương, gần đây trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, các đối tượng tội phạm vẫn sử dụng phương thức như giả danh công an, viện kiểm sát, cán bộ thuế… thông báo nạn nhân có liên quan đến vụ án hình sự như rửa tiền, ma túy.

Sau đó, chúng yêu cầu nạn nhân hợp tác, chuyển tiền vào tài khoản "kiểm tra" để chứng minh mình vô tội. Thủ đoạn này dù được xem là "đã lỗi thời", thế nhưng vẫn có nhiều người muốn khẳng định mình vô tội bằng cách chuyển tiền.

Điển hình, ngày 25/6, Công an phường Phước Mỹ (cũ) tiếp nhận tin báo của anh B.M.C (SN 2006, trú thành phố Hà Nội) về việc, lúc 9h cùng ngày, tại đường Dương Đình Nghệ (Đà Nẵng), anh C. bị một đối tượng mạo danh công an liên lạc qua điện thoại, nói anh liên quan đến việc rửa tiền.

Anh C. làm theo hướng dẫn và đã chuyển 990 triệu đồng cho đối tượng để chứng minh mình trong sạch. Khi phát hiện bị đối tượng mạo danh lừa đảo, anh C. đến Công an phường trình báo sự việc.

Một trường hợp khác là của anh Q. (SN 1992, trú phường Hòa Minh, Đà Nẵng). Cụ thể, ngày 26/6, anh Q. nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng cán bộ thuế thành phố Đà Nẵng, đối tượng yêu cầu anh Q. chứng minh năng lực vốn điều lệ khi mở công ty.

Anh Q. chuyển số tiền 500 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng do mình đứng tên. Đến 12h15 cùng ngày, anh phát hiện bị mất là 503,8 triệu đồng trong tài khoản. Cơ quan công an xác định nguyên nhân ban đầu có thể anh Q. bị kẻ gian chiếm quyền sử dụng điện thoại.

Một hình thức lừa đảo khác, không mới nhưng vẫn được các đối tượng tội phạm khai thác, đó là lừa đặt phòng khách sạn. Điển hình, ngày 27/6, chị P.T.K.D (SN 1983, trú phường Hoà Minh) đến Công an phường trình báo lúc 9h40 cùng ngày, chị D sử dụng mạng xã hội Facebook để truy cập vào trang web có tên "Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An" (có tích xanh) để đặt phòng khách sạn. Sau khi làm theo các yêu cầu của trang web, chị đã chuyển khoản 5 lần với tổng số tiền hơn 178 triệu đồng nhưng vẫn không đặt được phòng.

Hay như trường hợp của chị Đ.T.N (SN 1984, trú đường Trần Cao Vân, thành phố Đà Nẵng). Ngày 27/6, chị N nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là nhân viên công ty cấp nước hướng dẫn cập nhập hồ sơ nước vì lý do sáp nhập tỉnh, thành phố. Sau khi làm theo các bước như hướng dẫn thì chị phát hiện tài khoản ngân hàng của mình bị trừ 2 lần với tổng số tiền gần 227 triệu đồng.

Theo Công an TP.Đà Nẵng, để phòng chống lừa đảo qua mạng, người dân cần thường xuyên cập nhật tin tức về tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao, phương thức, thủ đoạn phạm tội tránh mắc bẫy.

Khi nhận cuộc gọi lạ có yếu tố đe dọa, liên quan pháp lý, cần bình tĩnh xác minh lại qua kênh chính thống hoặc thông báo ngay cho cơ quan công an, tuyệt đối không tin tưởng các cuộc gọi tự xưng là công an, viện kiểm sát, tòa án, ngân hàng, điện lực... yêu cầu chuyển tiền.

Bên cạnh đó, để tránh bị lừa đảo khi đặt phòng khách sạn trực tuyến, người dân nên ưu tiên các nền tảng đặt phòng uy tín; kiểm tra thông tin kỹ lưỡng; không chuyển khoản cá nhân khi chưa xác minh.

Hãy gọi điện xác nhận với khách sạn trước khi thanh toán và đọc kỹ các điều khoản hủy phòng, hoàn tiền...

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Khởi tố 2 đối tượng sử dụng hàn the trong sản xuất giò, chảKhởi tố 2 đối tượng sử dụng hàn the trong sản xuất giò, chả
Tham khảo thêm
Đối tượng sát hại nữ chủ tiệm tạp hoá bị khởi tố về tội Giết ngườiĐối tượng sát hại nữ chủ tiệm tạp hoá bị khởi tố về tội Giết người

Hoàng Mai