
Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh trên, đặc biệt tại các huyện: Phù Yên (tỉnh Sơn La); Lạc Sơn, Lạc Thủy (tỉnh Hoà Bình); Bảo Yên (tỉnh Lào Cai); Lục Yên, thành phố Yên Bái, Trạm Tấu, Trấn Yên, Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình (tỉnh Yên Bái); Bắc Quang (tỉnh Hà Giang); Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang); Đoan Hùng, Hạ Hoà, Tam Nông, Tân Sơn, Thanh Thuỷ, Yên Lập (tỉnh Phú Thọ); Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Đồn, Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn); Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên); Hạ Lang, Hoà An, Nguyên Bình, Quảng Hòa, Thạch An, thành phố Cao Bằng, Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng); Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh); Cẩm Thủy, Lang Chánh, Mường Lát, Ngọc Lặc, Như Thanh, Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa); Con Cuông, Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương (tỉnh Nghệ An); Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh); Cam Lâm, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa); Cư Jút, Đăk Glong, Đắk Mil, Đắk Song, Krông Nô (tỉnh Đắk Nông). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1.Mưa lớn có khả năng gây ra ngập úng tại các vùng trũng, thấp, khu đô thị, công nghiệp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Để phòng chống lũ quét, sạt lở đất, theo chuyên gia về phòng chống thiên tai, các tỉnh, thành phố cần phải sử dụng các giải pháp về công trình và phi công trình.
Đối với các biện pháp công trình, các tỉnh, thành phố, cần thực hiện trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt là các khu vực thường gây ra lũ quét, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ lớp phủ thực vật, tăng khả năng giữ nước của lưu vực, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ, đồng thời xây dựng hồ chứa điều tiết lũ ở khu vực thường xảy ra lũ quét, khai thông các đường thoát lũ, xây dựng đê, tường chắn lũ quét, phân dòng lũ, xây dựng bổ sung các tràn sự cố ở các hồ chứa nước...
Đối với các biện pháp phi công trình, các địa phương cần lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét (nguy cơ cao; nguy cơ trung bình và vùng ít có khả năng xảy ra lũ quét). Bản đồ này là một trong những căn cứ quan trọng để địa phương đề ra các biện pháp phòng tránh lũ quét; quy hoạch sử dụng đất hạn chế phát triển trong vùng nguy cơ lũ quét cao. Đối với các khu dân cư đã phát triển thiếu quy hoạch trước đây, các địa phương cần có quy hoạch lại và tái định cư, đưa đân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao....
Từ 19 giờ ngày 23/5 đến 19 giờ ngày 24/5, khu vực các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Thịnh Hưng (Yên Bái) 119 mm, Lục Bình (Bắc Kạn) 109,6 mm, Hoàng Nông (Thái Nguyên) 96,8 mm, Linh Phú (Tuyên Quang) 92,4 mm; Khe Mai (Quảng Ninh) 132,6 mm, Na Mèo (Thanh Hóa) 69,2 mm, Na Ngòi (Nghệ An) 214,4 mm, Hà Linh (Hà Tĩnh) 199,6 mm ...
Từ 14 giờ đến 16 giờ ngày 24/5, khu vực các tỉnh Đắk Nông và Khánh Hòa đã có mưa vừa, mưa to như: Nâm Nung 67,4 mm, Tân Thành 52 mm (Đắk Nông); Hồ Đá Bàn- lưu vực Suối Dứa 51,2 mm (Khánh Hòa),...
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.