Lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết quý I/2025 dự kiến tăng 22,6%

Lợi nhuận ròng quý I/2025 của các công ty niêm yết trên ba sàn chứng khoán được VNDIRECT ước tính tăng 22,6% so với cùng kỳ, ghi nhận quý tăng trưởng thứ sáu liên tiếp. Đà tăng này được hỗ trợ bởi nền so sánh thấp của quý I/2024 và sự cải thiện nền tảng kinh doanh.

Theo phân tích từ Công ty Chứng khoán VNDIRECT, dựa trên kết quả công bố lợi nhuận quý I của 961 doanh nghiệp (chiếm 95,6% tổng vốn hóa toàn thị trường), bức tranh lợi nhuận đầu năm 2025 cho thấy nhiều tín hiệu tích cực.

Một điểm đáng chú ý là biên lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) được cải thiện, tăng từ 15,4% của quý I/2024 lên 17,9% trong quý I/2025. Điều này cho thấy khả năng kiểm soát chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, môi trường lãi suất thấp được duy trì cũng là một yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Ngành điện, bất động sản dẫn dắt đà tăng trưởng

Trong bức tranh chung, ngành điện và bất động sản là hai đầu tàu ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong quý I/2025.

Cụ thể, lợi nhuận ngành điện được dự báo tăng vọt 223,9% so với cùng kỳ. Sự phục hồi mạnh mẽ này đến từ các nhà máy điện khí, vốn hoạt động dưới công suất trong năm trước đó. Đồng thời, sản lượng từ các nhà máy thủy điện cũng được cải thiện đáng kể so với mức nền thấp do ảnh hưởng của El Niño trong quý I/2024.

Ngành bất động sản cũng không kém cạnh với mức tăng trưởng lợi nhuận ước tính 134,4% so với cùng kỳ, đánh dấu quý thứ ba liên tiếp ghi nhận tăng trưởng. Sự phục hồi của thị trường được cho là nhờ các chính sách hỗ trợ, môi trường lãi suất thấp và các chương trình bán hàng hấp dẫn được tung ra từ các chủ đầu tư.

Một số ngành khác cũng cho thấy kết quả khả quan. Lợi nhuận ngành hàng cá nhân & gia dụng được dự báo tăng 62% so với cùng kỳ, một phần nhờ nhu cầu xuất khẩu tăng trong bối cảnh có những lo ngại về khả năng chính quyền Tổng thống Trump (Mỹ) áp thuế quan lên hàng hóa Việt Nam. Ngành hóa chất cũng ghi nhận lợi nhuận tăng 44,6%, chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện khi chi phí đầu vào giảm trong khi giá bán vẫn duy trì ổn định.

Ngành bán lẻ dự kiến tăng 44% lợi nhuận trong quý đầu năm 2025, với đóng góp chính từ sự tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG). Mảng điện tử của MWG được kỳ vọng có doanh thu trên mỗi cửa hàng cải thiện sau tái cơ cấu, trong khi chuỗi Bách Hóa Xanh tiếp tục chiến lược mở rộng. Dù biên lợi nhuận gộp có thể thấp hơn cùng kỳ, lợi nhuận ròng của doanh nghiệp này vẫn được dự báo tăng 71,3% nhờ kiểm soát chi phí hiệu quả, đặc biệt là khấu hao thấp hơn và không còn chi phí bất thường từ việc thu hẹp chuỗi.

Thách thức với ngành dầu khí

Ở chiều ngược lại, ngành dầu khí được dự báo sẽ ghi nhận lợi nhuận giảm 63,8% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là do giá dầu bình quân quý I/2025 được dự báo giảm gần 9% so với cùng kỳ năm 2024. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có giá bán sản phẩm gắn liền với biến động giá dầu như Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (OIL).

Đóng góp từ nhóm VN30 và tác động từ chính sách thuế

Xét về các cổ phiếu trụ cột, MSN, VHM, BCM, SSB, GVR và MWG là những mã được kỳ vọng đóng góp hàng đầu vào tăng trưởng lợi nhuận chung. Lợi nhuận ròng quý I/2025 của nhóm cổ phiếu VN30 được ước tính tăng 12,8% so với cùng kỳ, với 22/30 doanh nghiệp trong rổ có tăng trưởng. Dẫn đầu đà tăng là MSN (+277%), VHM (+204%), BCM (+203%), SSB (+191%) và MWG (+149%). Ngược lại, PLX có thể ghi nhận lợi nhuận giảm 88% do giá dầu bình quân giảm.

Trong bối cảnh Chính phủ nỗ lực hạ lãi suất tiền gửi nhằm giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, nhu cầu tín dụng được ghi nhận có sự sụt giảm. Điều này được lý giải là do các công ty đang trong quá trình tái cơ cấu nguồn vốn để thích ứng với môi trường kinh tế ngày càng biến động.

Một sự kiện đáng chú ý trong quý I/2025 là việc Mỹ công bố áp thuế đối ứng đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam, với mức thuế có thể lên đến 46%. Thông tin này đã gây tác động ngắn hạn đến diễn biến của các cổ phiếu trên sàn chứng khoán và được dự báo sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ghi nhận tại mùa đại hội đồng cổ đông của hầu hết các doanh nghiệp lớn, kể cả những doanh nghiệp được dự báo chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế quan này, lãnh đạo các công ty khẳng định rằng thuế đối ứng có tác động gián tiếp nhưng họ không điều chỉnh kế hoạch kinh doanh đã đưa ra từ đầu năm. Các doanh nghiệp bị tác động trực tiếp cũng đã tính đến các phương án thay đổi thị trường để ứng phó.