
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, qua thực tế kiểm tra trên thị trường, đặc biệt trong các đợt cao điểm cho thấy thủ đoạn của đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi, nhất là trên môi trường trực tuyến (online). Các đối tượng này không chỉ sử dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử… để quảng bá, bán hàng giả, mà còn thường xuyên thay đổi tên, địa chỉ, dùng công nghệ tạo bao bì, tem nhãn… rất giống hàng thật khiến người tiêu dùng khó phân biệt.
Đáng chú ý, có những vụ việc mà lực lượng chức năng phải mời chuyên gia giám định hoặc đại diện chủ sở hữu quyền mới xác định được đó là hàng giả. Riêng về thủ đoạn làm giả, có thể chia làm ba nhóm là làm giả hoàn toàn, làm nhái và nguy hiểm nhất là giả chính chất lượng sản phẩm (đăng ký tiêu chuẩn chất lượng nhưng kiểm tra, xét nghiệm lại không đạt).
“Xác định chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, nên ngay sau khi kết thúc cao điểm kiểm tra kiểm soát thị trường theo Chỉ thị số 13/CT-TTg, Công điện số 65/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đã tham mưu trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ký Quyết định số 1825/QĐ-BCT ngày 26/6 ban hành Kế hoạch thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về tiếp tục đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”, ông Nguyễn Thành Nam chia sẻ thêm.
Báo cáo của một số sở ngành tại TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, hiện tại thành phố đã bố trí các đội quản lý thị trường, đội quản lý an toàn thực phẩm, đội kiểm tra liên ngành trên địa bàn để thường xuyên theo dõi, xử lý hàng giả. Tuy nhiên, nhiều quy định hiện hành vẫn còn nặng về hình thức nên chưa hiệu quả như những quốc gia khác. Trong khi đó, thị trường còn tồn tại tràn lan hàng giả, thì ngay cả doanh nghiệp xuất khẩu uy tín cũng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chứ không chỉ doanh nghiệp làm ăn chân chính tại thị trường nội địa, nhất là khi chỉ cần một mặt hàng bán chạy sẽ lập tức có đối tượng làm giả để trục lợi vì siêu lợi nhuận.
Chia sẻ tại tọa đàm “Chống hàng giả, hàng gian” do báo Người Lao động phối hợp cùng một số đơn vị vừa tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh, cộng đồng doanh nghiệp, thương nhân trên địa bàn thành phố cũng chỉ ra rằng, cuộc chiến chống hàng giả, hàng kém chất lượng là vấn đề lâu dài, không thể giải quyết dứt điểm chỉ bằng những chiến dịch cao điểm hay qua đợt tổng kiểm tra. Đồng thời, xử lý hàng giả phải được thực hiện liên tục, dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng, cũng như phối hợp liên ngành, cùng sự đồng hành của doanh nghiệp, thương nhân…
Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa phân tích, việc chống hàng giả hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp, trong khi đó nguồn lực kiểm tra, phân tích của cơ quan chức năng còn hạn chế, không theo kịp tốc độ gia tăng và mức độ lan rộng của hàng giả trên thị trường. Hơn thế nữa, việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ của hàng giả gặp rất nhiều khó khăn do nhiều cơ sở sản xuất chỉ gia công theo đơn đặt hàng nên có thể cùng lúc cung cấp cho hàng trăm thương hiệu khác nhau, khiến việc lần theo chuỗi cung ứng trở nên phức tạp.
Trước thực trạng này, nhiều doanh nghiệp buộc phải tự bảo vệ mình bằng cách thành lập bộ phận chuyên trách tại các tỉnh, phối hợp với hệ thống nhà phân phối, kênh giám sát, đồng thời tích cực theo dõi hoạt động trên mạng xã hội để kịp thời phát hiện hàng giả, cũng như các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ. Hay một giải pháp khác mà doanh nghiệp áp dụng để đối phó với hàng giả là liên tục thay đổi bao bì, mẫu mã… nhằm gây khó khăn cho đối tượng làm hàng giả.
“Tuy vậy, trong thời gian tới doanh nghiệp rất cần có sự đồng hành hơn nữa của cơ quan chức năng để nâng cao nhận thức người tiêu dùng, khuyến khích họ kiểm tra, quét mã QR code để đảm bảo mua được sản phẩm chính hãng. Đây cũng là giải pháp quan trọng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và từng bước hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường”, ông Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Đối với hoạt động kinh doanh trên không gian mạng, ông Nguyễn Quách Nhi, chuyên gia về thương mại điện tử cho rằng, không thể để mất kiểm soát thị trường thương mại điện tử, nhất là về chủ quyền thương mại trên nền tảng số. Thương mại điện tử có thể trở thành "thiên đường" của hàng giả nếu không được quản lý tốt, nhưng đây cũng chính là mảnh đất màu mỡ để phân phối hàng chính hãng, đóng vai trò là cầu nối trực tiếp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm sản phẩm chất lượng.
Điển hình, tại khu vực nông thôn thì những thương hiệu lớn thường ít hiện diện, nên thương mại điện tử mở ra cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn với hàng chính hãng thông qua nền tảng trực tuyến. Nếu người tiêu dùng ưu tiên mua sắm tại gian hàng chính hãng (shop mall), vốn được kiểm soát nghiêm ngặt về nguồn gốc và chất lượng thì nguy cơ mua phải hàng giả, hàng không rõ xuất xứ sẽ gần như được loại bỏ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Viết Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Vina CHG cho biết, cộng đồng xã hội đều đang quan tâm đến vấn đề chống hàng giả, nhưng một điều quan trọng không kém là phải thúc đẩy phát triển những kênh bán hàng đáng tin cậy để người tiêu dùng thực sự an tâm mua sắm. Cùng đó, không chỉ dừng lại ở việc triệt phá hàng giả mà còn phải chỉ rõ cho người tiêu dùng biết đâu là nơi bán hàng thật, nơi họ có thể tin tưởng lựa chọn.