Chiều 16/5, Quốc hội nghe báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023, Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2023, Báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2023.
Trình bày báo cáo quyết toán NSNN năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thay mặt Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt bổ sung dự toán thu NSNN năm 2023 chưa được bổ sung tại Nghị quyết số 1077 ngày 28/6/2024 của UBTVQH về việc bổ sung dự toán thu NSNN năm 2023 là 16.655 tỷ đồng (bao gồm: tăng thu NSTW là 12.974 tỷ đồng, tăng thu ngân sách địa phương là 3.681 tỷ đồng).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày báo cáo quyết toán NSNN năm 2023 (Ảnh: Media Quốc hội).
Chính phủ cũng trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2023 với tổng số thu cân đối NSNN là 3.023.547 tỷ đồng. Trong đó số thu NSNN theo dự toán là 1.770.776 tỷ đồng, thu chuyển nguồn năm 2022 sang năm 2023 là 1.144.686 tỷ đồng, thu từ kết dư năm 2022 là 107.418 tỷ đồng và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN là 667 tỷ đồng;
Tổng số chi cân đối NSNN là 3.176.154 tỷ đồng. Trong đó chi NSNN theo dự toán là 1.936.912 tỷ đồng, chi chuyển nguồn sang năm 2024 là 1.239.242 tỷ đồng;
Bội chi NSNN 291.564 tỷ đồng (bao gồm: bội chi NSTW là 284.913 tỷ đồng, bội chi NSĐP là 6.651 tỷ đồng); Tổng mức vay của NSNN là 482.625 tỷ đồng.
Xác định nguồn cải cách tiền lương chưa đúng
Tại báo cáo quyết toán NSNN, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, đến hết ngày 31/12/2023, số dư kinh phí cải cách tiền lương của NSTW là 149.208 tỷ đồng, trong đó số dư của các bộ, ngành là 70 tỷ đồng; số dư cải cách tiền lương của các địa phương là 387.186 tỷ đồng.

Ông Ngô Văn Tuấn - Tổng Kiểm toán Nhà nước trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2023 (Ảnh: Media Quốc hội).
Với nội dung này, tại Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2023, ông Ngô Văn Tuấn - Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, nguồn thực hiện chính sách tiền lương năm 2023 chuyển sang năm 2024 là 536.394 tỷ đồng, bao gồm ngân sách địa phương là 387.186 tỷ đồng, ngân sách Trung ương 149.208 tỷ đồng.
Qua kết quả kiểm toán cho thấy, tại các bộ, cơ quan Trung ương một số đơn vị sự nghiệp công lập chưa trích lập, trích lập nguồn cải cách tiền lương chưa đảm bảo tỉ lệ; chưa quyết định tỉ lệ nguồn thu phải trích lập để tạo nguồn cải cách tiền lương; không thuộc đối tượng trích lập nhưng vẫn trích.
Cũng theo ông Tuấn, tại các địa phương, một số địa phương chưa rà soát hết nguồn lực khi xác định nhu cầu, dẫn đến trong năm NSTW bổ sung song cuối năm vẫn còn dư nguồn cải cách tiền lương.
Chưa trích lập đủ hoặc xác định nguồn cải cách tiền lương chưa phù hợp 3.528,72 tỷ đồng. Trong đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm dự toán năm sau hoặc nộp trả NSNN tại 17/56 địa phương 959 tỷ đồng, 18/56 địa phương trích bổ sung 1.361,63 tỷ đồng, 13/56 địa phương kiến nghị theo dõi nguồn 1.208,06 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, 11/56 địa phương theo dõi, quản lý nguồn cải cách tiền lương chưa phù hợp 3.715,52 tỷ đồng; 18/56 địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương chi đầu tư, chi thường xuyên hoặc các nhiệm vụ khác không đúng quy định 1.389,6 tỷ đồng.
Có 6 địa phương được Kiểm toán Nhà nước xác định lại nguồn cải cách tiền lương đến 31/12/2023 cao hơn số Bộ Tài chính thông báo thẩm định.

Nhiều đơn vị chi sai nguồn cải cách tiền lương năm 2023.
Theo quy định, việc tạo lập nguồn cải cách tiền lương từ 70% tăng thu ngân sách địa so với dự toán; 50% tăng thu ngân sách địa phương dự toán năm hiện hành so với dự toán năm trước liền kề; 40% thu sự nghiệp, 35% thu viện phí; 10% tiết kiệm tăng thêm chi thường xuyên…
"Việc phải sử dụng 70% từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán để tạo nguồn cải cách tiền lương song dự toán thu lại có xu hướng lập không sát khả năng thực tế, dẫn tới số tăng thu cao, nhưng chủ yếu lại sử dụng cho cải cách tiền lương, trong khi nhiều nhiệm vụ chi cần thiết, cấp bách khác, như chi đầu tư phát triển, KHCN, đổi mới sáng tạo... lại thiếu nguồn để chi", ông Tuấn nêu thực tế.
Ngoài ra, những năm gần đây Bộ Tài chính lại tổng hợp cả số thu kết dư ngân sách năm trước vào số tăng thu so với dự toán là không phù hợp quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 9, khoản 2 Điều 59 Luật NSNN, làm nguồn cải cách tiền lương tăng cao và thực tế có một số địa phương loại trừ thu kết dư khi xác định nguồn tạo lập cải cách tiền lương.
Ông Tuấn cho biết, qua tổng hợp nguồn kinh phí cải cách tiền lương cho thấy, số dư lũy kế nguồn này tăng nhanh qua các năm (năm 2021 là 262.974 tỷ đồng, năm 2022 là 432.350 tỷ đồng, năm 2023 là 536.394 tỷ đồng) và tại Nghị quyết số 159 ngày 13/11/2024 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2025 đã mở rộng phạm vi sử dụng nguồn cải cách tiền lương.
Về sử dụng theo các Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2024, 2025 cho thấy, tổng kinh phí cải cách tiền lương đã sử dụng là 185.659 tỷ đồng.
"Như vậy, đến năm 2025 nguồn cải cách tiền lương năm 2023 chuyển sang 2024 vẫn còn dư 350.735 tỷ đồng (536.394 tỷ đồng - 185.659 tỷ đồng), trong khi số dư nguồn tích lũy cải cách tiền lương nêu trên chưa bao gồm khoản phải trích tạo nguồn cải cách tiền lương các năm 2024, 2025", ông Tuấn nêu.
Tồn tại diễn ra từ nhiều năm chưa được xử lý triệt để
Thẩm tra nội dung này tại báo cáo thẩm tra báo cáo quyết toán NSNN năm 2023, ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - Tài chính cho biết, đa số ý kiến cho rằng, mặc dù tỉ trọng số chi chuyển nguồn năm 2023 sang năm 2024 so với dự toán chi NSNN năm 2023 và so với số thực chi NSNN năm 2023 có thấp hơn so tỉ trọng với số chi chuyển nguồn năm 2022 sang năm 2023.
Tuy nhiên, quy mô số chi chuyển nguồn năm 2023 sang năm 2024 vẫn tiếp tục tăng cao hơn so với các năm trước.
Trong đó, số chi chuyển nguồn NSTW năm 2023 sang năm 2024 sau khi trừ số chi chuyển nguồn cải cách tiền lương (149.208 tỷ đồng) là 262.784,2 tỷ đồng, xấp xỉ 92,3% số quyết toán bội chi NSTW năm 2023.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - Tài chính trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo quyết toán NSNN năm 2023 (Ảnh: Media Quốc hội).
Đặc biệt, theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cho thấy còn tình trạng một số bộ, cơ quan Trung ương chuyển nguồn khi hết nhiệm vụ chi, chuyển nguồn không đúng quy định, chuyển nguồn lớn so với dự toán; có 39/56 địa phương chuyển nguồn sang năm 2024 cao hơn năm trước; có 19/56 địa phương chuyển nguồn sai quy định 3.484,09 tỷ đồng;
Có 8/56 địa phương chuyển nguồn thiếu 343,61 tỷ đồng; một số địa phương chuyển nguồn kéo dài qua nhiều năm hoặc sai mục lục ngân sách.
"Đây là những tồn tại diễn ra từ nhiều năm chưa được xử lý triệt để, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương làm rõ nguyên nhân số chi chuyển nguồn liên tục lớn và tăng cao.
Đồng thời tiếp tục có các giải pháp, cơ chế, chính sách chấn chỉnh quản lý, quản trị, điều hành chặt chẽ, hiệu quả việc sử dụng số chuyển nguồn, nhằm đạt mục tiêu sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực NSNN", ông Mãi cho hay.