Tây Ninh: Khởi tố bắt tạm giam 2 bị can về tội buôn lậu

23/06/2024 20:03

Công an huyện Tân Châu ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với 2 đối tượng buôn lậu hạt tiêu đen và hạt điều thô từ Campuchia về Việt Nam.

Ngày 23/6, Công an huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) đã khởi tố vụ án, khởi tố bắt tạm giam 2 bị can Đoàn Văn Hùng và Nguyễn Thị Kim Hoàng (sinh năm 1981, cùng ngụ xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) về tội Buôn lậu.

An ninh - Hình sự - Tây Ninh: Khởi tố bắt tạm giam 2 bị can về tội buôn lậu

Đối tượng Nguyễn Thị Kim Hoàng và Đoàn Văn Hùng  (Ảnh: CACC).

Trước đó, lúc 21h ngày 4/4, trên đoạn đường thuộc khu vực ấp Đông Thành (xã Tân Đông, huyện Tân Châu), Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Tân Châu phối hợp với Công an xã Tân Đông kiểm tra, phát hiện Đoàn Văn Hùng điều khiển xe mô tô loại 3 bánh không mang biển kiểm soát, vận chuyển 54 bao tải, bên trong chứa hạt tiêu đen, có khối lượng 2.789kg.

Đoàn Nguyễn Gia Huy, 19 tuổi (con trai Hùng) cũng điều khiển xe mô tô loại 3 bánh vận chuyển 42 bao tải, bên trong chứa hạt điều thô, có khối lượng là 2.378kg.

Toàn bộ số hàng hoá trên 2 xe ba bánh không có hoá đơn chứng từ. Công an lập biên bản tạm giữ số lượng hàng hoá trên; tiến hành kiểm tra nhà Hùng thu giữ thêm 81 bao tải chứa tiêu đen có trọng lượng 3.883kg.

Qua điều tra xác minh, Công an huyện Tân Châu xác định để thu lời bất chính, Đoàn Văn Hùng và Nguyễn Thị Kim Hoàng đi theo đường mòn lối mở ở khu vực biên giới cột mốc số 95 thuộc Đồn Biên phòng Ka Tum để qua huyện Memot (tỉnh Tbong Khmum, Campuchia) mua hạt điều thô và tiêu đen nguyên hạt.

Sau khi thu mua xong Nguyễn Thị Kim Hoàng quay về Việt Nam còn Đoàn Văn Hùng có trách nhiệm vận chuyển hàng về Việt Nam bán lại kiếm lời. Tổng số hàng hoá Công an tạm giữ của Đoàn Văn Hùng và Nguyễn Thị Kim Hoàng qua định giá trên 370 triệu đồng.

Theo luật gia Nguyễn Văn Khánh, Hội Luật gia tỉnh Bình Phước cho biết, tội Buôn lậu được quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:

Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên; Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.

Phân loại tội phạm, tại khoản 1 Điều 9 Bộ luật Hình sự: Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:

Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;

Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;

Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Căn cứ vào Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thì phân loại tội phạm dựa trên tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong Bộ luật này và căn cứ phân loại tội phạm sẽ dựa vào mức cao nhất của khung hình phạt do Điều luật quy định cho tội đó.

Xét trường hợp cụ thể, đối với trường hợp buôn lậu này theo khoản 2 Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thì mức phạt cao nhất có thể là "đến 7 năm tù". Theo phân loại tội phạm thì đây là tội phạm nghiêm trọng.

Bạn đang đọc bài viết "Tây Ninh: Khởi tố bắt tạm giam 2 bị can về tội buôn lậu" tại chuyên mục Pháp Luật. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).