
Đây là hoạt động trọng tâm nhằm đồng hành cùng chính quyền, người dân trong quá trình vận hành chính quyền địa phương hai cấp, diễn ra trong 2 tháng từ tháng 7 đến hết tháng 8/2025.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, với tinh thần "Thanh niên phải là lực lượng xung kích, sáng tạo, sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới", đội hình tình nguyện hỗ trợ công nghệ thông tin ra quân hôm nay chính là minh chứng rõ nét cho vai trò tiên phong của tuổi trẻ. Lực lượng này sẽ đồng hành cùng chính quyền, hỗ trợ người dân làm chủ công nghệ, sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Với phương châm “Hiểu địa bàn – Vững công nghệ – Hỗ trợ tận tâm – Lan tỏa hiệu quả”, các đội hình tập trung triển khai các hoạt động thiết thực như hỗ trợ địa phương cập nhật, đồng bộ dữ liệu dân cư sau sáp nhập; hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, định danh điện tử VNeID và các ứng dụng số dân sinh; tập huấn kỹ năng số cho cán bộ cơ sở; tổ chức điểm tư vấn công nghệ lưu động; truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong cộng đồng. Qua đó, thanh niên được kỳ vọng sẽ trở thành những “kỹ sư số cộng đồng” đồng hành cùng chính quyền và nhân dân ở cơ sở.

Ngay trong ngày ra quân, hơn 4.800 đội hình với gần 241.400 đoàn viên, thanh niên đã đồng loạt xuất quân tại 3.321 xã, phường và đặc khu trên toàn quốc. Cùng với đó, 728 đội hình sinh viên tình nguyện “Mùa hè xanh” đến từ 286 trường đại học, cao đẳng cũng bắt đầu các hoạt động hỗ trợ tại địa phương.
Trung ương Đoàn xác định ưu tiên nguồn lực cho 286 xã, phường và đặc khu ở khu vực biên giới – nơi cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp bộ Đoàn nhằm đảm bảo hiệu quả triển khai. Thực hiện Kết luận số 174-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã chỉ đạo các tỉnh, thành rà soát thực tế để thành lập đội hình phù hợp, hỗ trợ vận hành mô hình chính quyền mới tại các địa phương.
Theo kế hoạch, các đội hình được phân công linh hoạt theo ba nhiệm vụ: hỗ trợ cán bộ, công chức xử lý hồ sơ hành chính, hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý; đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp trong việc nộp hồ sơ trực tuyến, tra cứu kết quả, đăng ký định danh điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỹ năng số qua các lớp học trực tiếp, cũng như thông qua các mô hình sáng tạo như “Bình dân học vụ số” và “Tổ công nghệ số cộng đồng”.
Sau 6 ngày đầu triển khai (1–6/7), chương trình đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Tại tỉnh Lâm Đồng, hơn 24.750 lượt người dân được hỗ trợ tại bộ phận “Một cửa”; tại thành phố Hà Nội, 126 đội hình với gần 3.760 tình nguyện viên đã hướng dẫn người dân kê khai hồ sơ hành chính; tại Thành phố Hồ Chí Minh, các đội hình hoạt động luân phiên từ thứ Hai đến thứ Sáu, kết hợp mở lớp kỹ năng số dành riêng cho người cao tuổi – nhóm đối tượng vốn ít tiếp cận công nghệ.

Nhiều địa phương như Quảng Trị, Cà Mau, Khánh Hòa ghi nhận sự tham gia tích cực của thanh niên trong việc di dời, lắp đặt trang thiết bị phục vụ vận hành trụ sở xã mới theo mô hình hai cấp. Riêng tại Hưng Yên, 575 đội hình đã được huy động xuống tận các thôn, hỗ trợ người dân tra cứu hồ sơ căn cước công dân qua ứng dụng VNeID và đồng bộ dữ liệu phục vụ hệ thống chính quyền mới.
Đặc biệt, mô hình “Bình dân học vụ số” và “Tổ công nghệ số cộng đồng” đã lan tỏa mạnh mẽ đến tận thôn bản, góp phần rút ngắn khoảng cách số giữa các vùng miền. Lực lượng thanh niên Công an nhân dân cũng chủ động thành lập hơn 1.000 đội chuyên trách, tổ chức hơn 1.600 buổi phổ cập kỹ năng số, thu hút trên 170.500 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia.
Với sự vào cuộc đồng bộ, cách làm bài bản và lực lượng tình nguyện viên đông đảo, nhiệt huyết, tuổi trẻ cả nước đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số từ cơ sở, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, gần dân và phục vụ hiệu quả hơn.