
Tại hội nghị, bà Hà Thị Đào, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Kạn trình bày dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; các đại biểu tham luận về các nội dung cần lấy ý kiến, tập trung vào 2 nhóm nội dung quan trọng: Các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Đây là bước đi cần thiết, quan trọng góp phần cụ thể hóa tinh thần các nghị quyết, kết luận của Đảng, nhất là Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã tích cực nghiên cứu và tham gia đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, chất lượng. Đã có 8 tham luận và 3 ý kiến đóng góp trực tiếp thể hiện sự đồng thuận cao với việc tổ chức sửa đổi Hiến pháp năm 2013, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ chủ trương tinh gọn bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn cho rằng, việc tập trung quyền trình dự án luật về một đầu mối là Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hợp lý, trong bối cảnh sắp xếp tổ chức bộ máy.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính dân chủ và phát huy trí tuệ toàn diện, sau khi Nghị quyết được ban hành cần có quy định bắt buộc phải lấy ý kiến tổ chức thành viên trước khi trình; công khai hóa nội dung dự thảo và dự kiến phản biện qua cổng thông tin của Mặt trận Tổ quốc Trung ương, để tạo điều kiện cho nhân dân góp ý.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Kạn hoàn toàn thống nhất với chủ trương tổ chức chính quyền 2 cấp. Tuy nhiên, cần bổ sung vai trò giám sát của Mặt trận cấp xã trong việc kiểm soát quyền lực tại các đơn vị hành chính đặc biệt như đặc khu, phường đô thị hóa mạnh. Đề nghị Quốc hội sớm ban hành các hướng dẫn về tài sản, đất đai công, trụ sở làm việc sau khi giải thể cấp huyện để không thất thoát nguồn lực nhà nước.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Kạn Trịnh Tiến Long, Hiến pháp năm 2013 hiện đang quy định khá chi tiết về hệ thống các đơn vị hành chính theo ba cấp: tỉnh, huyện, xã, kèm theo tên gọi cụ thể của từng loại đơn vị hành chính ở mỗi cấp. Quy định quá chi tiết trong Hiến pháp khiến cho việc cải cách mô hình tổ chức đơn vị hành chính gặp khó khăn, vì bất cứ sự thay đổi nào cũng cần phải sửa đổi Hiến pháp - một văn kiện nền tảng có tính ổn định lâu dài.
Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Điều 110 của Hiến pháp theo hướng không quy định quá chi tiết về tên gọi và cơ cấu của từng loại đơn vị hành chính là hết sức cần thiết. Thay vào đó, Hiến pháp nên chỉ quy định một cách khái quát về hệ thống đơn vị hành chính, tập trung vào hai cấp chính: Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh.
Các đại biểu tỉnh Bắc Kạn góp ý cụ thể về thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, trong đó có sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; những quy định về đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và cấp khu vực để đảm bảo cơ chế kiểm soát quyền lực của địa phương.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các đại biểu với các ý kiến đóng góp sâu sắc, tâm huyết, thẳng thắn và có chất lượng. Những ý kiến này sẽ được tổng hợp đầy đủ để báo cáo cấp có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, bảo đảm Hiến pháp thật sự là nền tảng pháp lý vững chắc cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới.