Chuyển đổi số mạnh để nâng hiệu quả sản xuất ở vùng cao Sơn La

Chiều 16/5, Tỉnh ủy Sơn La tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trồng cây ăn quả trên đất dốc nhằm tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế và đề xuất định hướng, nhiệm vụ, các giải pháp để phát triển cây ăn quả bền vững trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh.
Chú thích ảnh Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Sơn La chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Quốc Khánh khuyến khích các địa phương trong tỉnh phát triển cây ăn quả theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn; phát huy hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, giảm phát thải khí nhà kính gắn với phát triển các sản phẩm quả trên địa bàn tỉnh; đồng thời, chuyển mạnh từ xây dựng các chuỗi cung ứng quả sang phát triển các chuỗi quả giá trị ngành hàng.

Cùng với đó, các địa phương tiếp tục xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu quả tập trung; ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản quả theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng vùng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, các địa phương đẩy nhanh tiến độ hình thành vùng quả ứng dụng công nghệ cao đạt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuỗi giá trị; xây dựng chuỗi giá trị quả an toàn, triển khai chương trình, dự án cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm quả. Tỉnh phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm quả, ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm quả có lợi thế của tỉnh, đủ điều kiện xuất khẩu…

Bước vào đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh Sơn La còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế phát triển chưa bền vững, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và yếu; tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp có độ dốc lớn, chủ yếu canh tác cây hàng năm như ngô, sắn, lúa nương, hiệu quả về kinh tế không cao. Sơn La sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung; nguồn lực của Nhà nước, thu hút đầu tư, hạ tầng phục vụ cho sản xuất, xây dựng cơ sở chế biến nông sản còn hạn chế. Tỉnh thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển nông nghiệp, tiêu thụ nông sản còn bấp bênh, chưa có kinh nghiệm xây dựng thương hiệu và chuỗi sản phẩm an toàn…

Với quyết tâm chính trị cao, tỉnh Sơn La đã chủ động nghiên cứu, vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng, Nhà nước; đồng thời, ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn...

Với việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, sau 10 năm triển khai chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, đến nay, Sơn La là tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra ước đạt trên 85.000 ha, sản lượng quả năm 2025 ước đạt 510.000 tấn.

Chú thích ảnh Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La trao Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng các đảng viên có thành tích xuất sắc trong thực hiện chủ trương về trồng cây ăn quả trên đất dốc giai đoạn 2016 - 2025. 

Giai đoạn 2016 - 2025, Sơn La đã thực hiện chuyển đổi, trồng mới cây ăn quả đạt gần 62.000 ha; giá trị sản xuất trên 1 ha trồng cây ăn quả trung bình đạt 150-300 triệu đồng/ha/năm; một số mô hình tiêu biểu đạt 400-500 triệu đồng/ha/năm, so với năm 2016 giá trị đã tăng gấp từ 4-10 lần (từ 110 - 430 triệu đồng/ha).

Tỉnh hiện có 201 chuỗi quả với tổng diện tích sản xuất đạt hơn 4.500 ha; 335 doanh nghiệp, hợp tác xã trồng cây ăn quả với diện tích gần 9.400 ha; diện tích cây ăn quả áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước đạt gần 2.200 ha; diện tích cây ăn quả được chứng nhận tiêu chuẩn đạt trên 4.750 ha; diện tích được cấp mã số vùng trồng đạt 218 mã. Sơn La đã có 31 sản phẩm nông sản, thực phẩm có thương hiệu; đã được cấp có thẩm quyền cấp quyết định công nhận 8 vùng ứng dụng công nghệ cao cho trồng trọt, trong đó có 4 vùng cây ăn quả; có 59 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP.

Các sản phẩm cây ăn quả của Sơn La đang từng bước tạo dựng thương hiệu trên thị trường trong nước cũng như quốc tế và đã tham gia vào chuỗi giá trị xuất khẩu. Từ năm 2017 - 2025, Sơn La đã xuất khẩu quả sang thị trường 15 nước với sản lượng trên 158.000 tấn quả; trong đó, có nhiều thị trường có tiêu chuẩn cao, khó tính như Nhật, UAE, Pháp, Anh và một số nước EU khác... Giá tiêu thụ sản phẩm quả tiếp tục được giữ ổn định ở mức cao, góp phần cải thiện thu nhập của người nông dân, tạo thêm việc làm, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất, 10 năm trước, Tỉnh ủy Sơn La đã chọn hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trồng cây ăn quả trên đất dốc là phù hợp với thực tiễn về đất đai, khí hậu của địa phương. Tỉnh đã thực hiện thành công bước đầu, nhưng rất quan trọng trong cuộc vận động các hộ gia đình chuyển đổi mạnh từ sản xuất tự cấp sang sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập trên 1ha đất sản xuất; đồng thời, tiêu thụ được các loại quả theo cơ chế thị trường trong nước và xuất khẩu…

Gợi mở một số hướng đi cho phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La, ông Nguyễn Quốc Mạnh - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng, thời gian tới, địa phương cần tập trung bảo vệ, duy trì, phục tráng các giống đặc sản, đồng thời khảo nghiệm đưa nhanh các giống mới, chất lượng, phù hợp với chế biến và nhu cầu của thị trường; tiếp tục xây dựng và phát triển các hợp tác xã mà Sơn La có thế mạnh.

Cùng với đó, địa phương cần chú trọng phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất cây ăn quả; phát triển hệ thống chứng nhận chất lượng đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu. Đặc biệt, để Sơn La trở thành thủ phủ sản xuất, chế biến trái cây của vùng, tỉnh cần quan tâm đầu tư xây dựng và có chính sách hỗ trợ logistics cho toàn vùng…

Dịp này, Ban Tổ chức đã tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho 9 tổ chức đảng, 49 đảng viên và Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 5 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện chủ trương về trồng cây ăn quả trên đất dốc giai đoạn 2016 - 2025.