Động lực tăng trưởng cho nền kinh tế nửa cuối năm 2025

Trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất định, 6 tháng cuối năm 2025 được xem là giai đoạn bản lề để củng cố nội lực nền kinh tế. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% của Chính phủ, ưu tiên hàng đầu vẫn là kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời tăng tốc giải ngân đầu tư công - giải pháp được ví như “liều oxy” cấp cứu cho tăng trưởng năm 2025.

Bức tranh kinh tế nửa đầu năm với gam màu sáng

Theo báo cáo “Kinh tế – Xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2025” của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), bức tranh kinh tế Việt Nam đang xuất hiện nhiều gam màu sáng: Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, kim ngạch xuất - nhập khẩu tiếp tục bứt phá, du lịch hồi phục mạnh, doanh nghiệp khởi sắc và kiểm soát lạm phát hiệu quả. 

Báo cáo của Cục Thống kê cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước - cao hơn mức 7,1% của cùng kỳ 2024. Đây là tín hiệu tích cực sau năm dịch bệnh, cho thấy lĩnh vực sản xuất đang trở lại đà tăng mạnh.

Trong lĩnh vực dịch vụ, chỉ riêng tháng 5, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,53 triệu lượt, dù giảm 7,6% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng, Việt Nam đã đón 9,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 21,3% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú – ăn uống tăng 15,2%, trong khi du lịch lữ hành tăng 24,7%. Các địa phương như TP.Hồ Chí Minh (+30,4%), Hà Nội (+22%), Đà Nẵng (+19,9%) đều có mức tăng cao, phản ánh hiệu quả chiến lược phục hồi du lịch của Nhà nước và địa phương.

Bên cạnh đó, kim ngạch thương mại tiếp tục là động lực quan trọng và là điểm sáng trên bức tranh kinh tế. Theo Cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu 5 tháng đầu năm đạt 355,79 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt 180,23 tỷ USD, tăng 14%, nhập khẩu đạt 175,56 tỷ USD, tăng 17,5%, xuất siêu đạt 4,67 tỷ USD.

Đáng chú ý, thành phần xuất khẩu chủ lực đến từ khu vực FDI với tỷ lệ chiếm hơn 72%, trong khi khu vực nội địa đóng góp khoảng 27 - 28%. Theo các chuyên gia kinh tế, đây vừa là sức mạnh, vừa là thách thức khi Việt Nam cần tăng cường năng lực cho doanh nghiệp trong nước trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Một điểm sáng không thể không kể đến trong 5 tháng đầu năm là sự đồng hành mạnh mẽ từ cả đầu tư công và đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đạt 221,8 nghìn tỷ đồng, tăng 17,5%, một bước nhảy vọt so với mức tăng 3,9% cùng kỳ năm 2024, phản ánh nỗ lực tăng tốc giải ngân và thúc đẩy hạ tầng nền tảng. Trong khi đó, tại "mặt trận" thu hút vốn ngoại, Việt Nam tiếp tục tạo bất ngờ với tổng vốn FDI đăng ký đạt 18,39 tỷ USD, tăng tới 51,2% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, vốn điều chỉnh tăng thêm lên đến 8,52 tỷ USD, gấp 3,4 lần, minh chứng cho sự tin tưởng ngày càng lớn của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư Việt Nam.

Ngoài ra, lĩnh vực doanh nghiệp cũng có tín hiệu tích cực khi trong 5 tháng đầu năm, có 66,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tạo 453,9 nghìn lao động mới, tương ứng tăng 0,6% về số DN và 6,2% về lao động so với cùng kỳ. Đồng thời, có thêm 45 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký mới và quay lại lên 111,8 nghìn, tăng 11,3% so với cùng kỳ.

Theo Chuyên gia kinh tế, TS.Nguyễn Minh Phong, bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm 2025 hiện hữu nhiều gam màu tươi sáng từ sự phục hồi mạnh mẽ của công nghiệp và dịch vụ, xuất - nhập khẩu bứt phá cho đến sự hồi sinh của doanh nghiệp và vĩ mô ổn định. Đây là nền tảng vững chắc để Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong năm nay.

Đồng quan điểm, TS.Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội cho hay, tuy còn nhiều thách thức và rủi ro phía trước, nhưng những điểm sáng này cho thấy bức tranh kinh tế đang dần đi đúng hướng trong bối cảnh toàn cầu nhiều bất ổn. Và nền tảng vĩ mô ổn định, dòng vốn tích cực đang tạo đà cho tăng trưởng nửa cuối năm.

Chuyển hóa khó khăn thành động lực tăng trưởng

Dự báo về nửa cuối năm 2025, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nước ta sẽ tiếp tục chứng kiến sức bật từ công nghiệp và thương mại. TS.Nguyễn Minh Phong nhận định ngành chế biến, chế tạo, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng toàn nền kinh tế. Sự khởi sắc của IIP và nhu cầu toàn cầu phục hồi đang tạo lợi thế cho tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm. Bên cạnh đó, nửa cuối năm, lạm phát được kiểm soát ổn định nhờ CPI tăng vừa phải. Việc thu hút FDI mạnh và giải ngân đầu tư công giúp duy trì bù đắp đà giảm dịch vụ sau giãn cách.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro. Những áp lực lạm phát đang âm ỉ, đặc biệt khi giá vật liệu xây dựng, điện, dịch vụ y tế đồng loạt tăng cao. Dù CPI chỉ tăng 3,21% trong 5 tháng đầu năm – một con số có vẻ tích cực nhưng mức tăng này chưa phản ánh hết những biến động thực trên thị trường và nguy cơ bùng phát lạm phát trong nửa cuối năm.

Thêm vào đó, chính sách nới lỏng lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng đang đối mặt với áp lực từ tỷ giá. VND mất giá gần 2% so với USD trong 5 tháng qua, tạo rủi ro kép: Gia tăng chi phí nhập khẩu và tác động ngược đến kiểm soát lạm phát. Sự phụ thuộc ngày càng sâu của nền kinh tế vào khu vực FDI cũng rất đáng quan tâm. Doanh nghiệp trong nước tiếp tục lép vế trong chuỗi xuất nhập khẩu, khi chiếm chưa đến 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui tương đương số gia nhập mới (đều gần 112 nghìn doanh nghiệp) cho thấy môi trường kinh doanh vẫn đang có những biến động và rủi ro đáng kể.

Chính phủ đang quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 8% cho năm nay để tạo đà tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới. Tuy nhiên, những dự báo của IMF (5,2%), World Bank (5,8%) hay ADB (6,6%) cho thấy khoảng cách giữa kỳ vọng trong nước và dự báo của các định chế quốc tế không hề nhỏ. Mặc dù để đạt được tăng trưởng 8% là điều khả thi nhưng cũng cần phải tránh cái giá phải trả là mất ổn định vĩ mô, lạm phát leo thang hay nợ công tăng vọt.

TS.Nguyễn Minh Phong nhận định tăng trưởng kinh tế không chỉ cần cao mà còn cần chất lượng. Điều này đòi hỏi cải cách thể chế thực chất, số hóa dịch vụ công, cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và nâng cao năng suất lao động. Khu vực kinh tế số – bao gồm thương mại điện tử, công nghệ tài chính và trí tuệ nhân tạo – cần được định vị là động lực mới cho tăng trưởng.

TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vùa Thành phố Hà Nội. TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vùa Thành phố Hà Nội.

Theo TS.Mạc Quốc Anh, thời gian tới, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần đi vào thực chất, đặc biệt là tiếp cận tín dụng, quỹ bảo lãnh vay vốn, ưu đãi thuế và chuyển đổi số. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn bất ổn, cần bàn tay hỗ trợ của Chính phủ trong việc củng cố các thị trường truyền thống và mở rộng thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp...

Trong dài hạn, Việt Nam cần chuẩn bị cho các nhu cầu đầu tư hạ tầng khổng lồ – từ đường sắt cao tốc (70 tỷ USD), metro đô thị (170 tỷ USD), đến năng lượng (135 tỷ USD). Điều đó không thể dựa mãi vào nợ vay hay FDI, mà cần khơi thông được nguồn lực trong dân, doanh nghiệp tư nhân và các thành phần kinh tế trong nước. Môi trường kinh doanh minh bạch, thủ tục hành chính đơn giản và một hệ thống pháp lý ổn định sẽ là các yếu tố then chốt để "cởi bung" nguồn lực trong dân, tăng cường năng lực nội sinh của doanh nghiệp trong nước và xây dựng một hệ sinh thái kinh doanh thực sự thuận lợi.

“Tuy còn nhiều thách thức và rủi ro phía trước, nhưng bức tranh kinh tế Việt Nam đang dần đi đúng hướng trong bối cảnh toàn cầu nhiều bất ổn. Nền tảng vĩ mô ổn định và dòng vốn tích cực đang tạo đà cho tăng trưởng nửa cuối năm”.