ĐBQH ao ước "tiết kiệm phải trở thành một lẽ sống"

Tham gia ý kiến về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề cập đến vấn đề lãng phí trong ăn uống, liên hoan.

Sáng 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2025. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024…

Thực hành tiết kiệm trong các cuộc liên hoan

Tham gia góp ý kiến về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đánh giá công tác chống lãng phí đã được đẩy mạnh, đạt được những kết quả đáp ứng được sự mong đợi của cử tri và nhân dân trong thời gian qua.

Bên cạnh những kết quả tích cực trong công tác này, ông Trí cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề về lãng phí còn rất lớn trên bình diện chung của cả nước.

Ông cho biết vẫn còn nhiều khu nhà bị bỏ hoang, nhiều dự án đất đai vẫn chưa giải quyết được, vẫn đang nằm chờ.

"Có một việc lãng phí mà tôi thấy rất ít các cuộc họp đề cập đến đó là lãng phí trong ăn uống, liên hoan", ông Trí nói và cho rằng có lẽ nhiều người cảm thấy đây là vấn đề nhỏ, không đáng kể. Nhưng theo đại biểu đoàn Hà Nội đây là vấn đề rất lớn.

ĐBQH ao ước "tiết kiệm phải trở thành một lẽ sống"- Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Ảnh: P.T).

Nêu thực tế các cuộc liên hoan, chiêu đãi… từ cấp huyện đến cấp tỉnh ông có dịp được dự, ông nhận thấy "hầu hết đều rất lãng phí".

"Vẫn còn rất nhiều mâm cơm trị giá có thể vài tạ thóc nhưng nhiều khi ăn chỉ đạt khoảng 50-60%, thậm chí có những mâm cơm chỉ ăn được 30% thực sự rất lãng phí", ông Trí bày tỏ trăn trở.

Từ những sự lãng phí đó, đại biểu ao ước sẽ có một phát động rộng rãi, mạnh mẽ để thực hành tiết kiệm trong các cuộc liên hoan, tiệc chiêu đãi và tiết kiệm phải trở thành một lẽ sống.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng, trong chống lãng phí chúng ta tập trung nhiều vào việc tìm ra được những sai sót, kỷ luật… điều này đúng nhưng phải đi trước hơn đó là lãng phí từ ý tưởng, dự định, từ chiến lược trong vấn đề đầu tư, sử dụng.

Ông cũng lấy ví dụ 2 bệnh viện ở Hà Nam là Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2. Khi xây 2 bệnh viện có ý kiến cho rằng xây ở cửa ngõ của Tp.Hà Nội như vậy tất cả bệnh nhân từ Thanh Hóa, Nghệ An… sẽ không cần phải ra Hà Nội.

Tuy nhiên, ông Trí cho rằng một gia đình có người ốm mà tìm lên tuyến trên thì trong kế hoạch của họ bao giờ cũng chọn ra Hà Nội. Ông cũng nêu sự lãng phí là đến nay 2 Bệnh viện này vẫn chưa được đưa vào sử dụng.

Chống lãng phí đối với trụ sở dôi dư sau sáp nhập

Tham gia góp ý về nội dung này, ĐBQH Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính.

Góp ý cụ thể, đại biểu Nam cho rằng cũng cần quan tâm việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí một cách xuyên suốt, đầy đủ, đồng bộ và dài hạn.

Báo cáo năm 2024 đã được phân tích, đánh giá rất đầy đủ nhưng cũng cần quan tâm thêm khía cạnh, tức là năm 2022 Quốc hội đã thực hiện giám sát tối cao về vấn đề thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

ĐBQH ao ước "tiết kiệm phải trở thành một lẽ sống"- Ảnh 2.

ĐBQH Lê Minh Nam (Ảnh: Media Quốc hội).

Theo đó, đã ban hành Nghị quyết số 74 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cuộc giám sát và nghị quyết này được thực hiện trên cơ sở đánh giá rất toàn diện việc thực hành chính sách pháp luật tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016- 2021. Được xem xét trên 7 lĩnh vực chủ yếu của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ngoài ra, cũng đánh giá toàn diện, đầy đủ trên tất cả các lĩnh vực như việc ban hành thực hiện định mức tiêu chuẩn chế độ; dự toán quyết toán sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước, vấn đề sử dụng thiết bị của cơ quan Nhà nước, quản lý sử dụng vốn, tài sản Nhà nước… Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Cần rà soát, thu hồi các dự án "còn trên giấy" để tránh lãng phí

Đại biểu đề nghị cần phải tăng cường công tác quản lý, khai thác sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng quy hoạch để đảm bảo khai thác sử dụng đất đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, giảm thiểu thất thoát, lãng phí, tác động tiêu cực đến môi trường.

Đồng thời, đề nghị tiếp tục đánh giá, rà soát các dự án treo, dự án chưa đưa vào sử dụng hay đất còn hoang hóa để khai thác tối ưu nguồn lực đất đai.

Đại biểu cũng đề nghị quản trị sử dụng nguồn lực đất đai hiệu quả, dài hạn, đặc biệt cân đối để bố trí nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế tư nhân như Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị và Nghị quyết 198 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân mới được thông qua.

Về trụ sở nhà công vụ sau thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính và tinh gọn bộ máy, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm có chính sách để thực hành tiết kiệm chống lãng phí đối với trụ sở của cấp tỉnh, huyện, xã sao cho hiệu quả nhất.

"Phần lớn trụ sở các đơn vị này đều có địa trí đắc địa, thuận lợi, bây giờ cần sử dụng sao cho đạt được mục đích hiệu quả, tiết kiệm là vấn rất cần tính toán", ông Nam nói và cho biết trên phạm vi cả nước thời gian tới trụ sở sẽ dôi dư nên cần phải có sự tính toán.