Tác giả: Bảo Chương Nguồn: Báo Lao động
Cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) rơi không phanh
24/12/2018 16:30
Nợ vay nhiều, cổ phiếu HSG của Đại gia Lê Phước Vũ rơi không phanh, trong khi đó lợi nhuận của Hoa Sen giảm, hàng tồn kho cao và các khoản phải thu ngắn hạn ngất ngưởng.
[caption id="attachment_1099" align="aligncenter" width="888"] Cổ phiếu HSG của đai gia Lê Phước Vũ vẫn chìm sâu trong khủng hoảng[/caption]
Cổ phiếu HSG đang đi xuống vùng giá thấp nhất trong nhiều năm
Đóng cửa phiên ngày 19.12, cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) chỉ còn giao dịch ở mức 7.000 đồng/cổ phiếu.
Nếu so với mức đỉnh giá trên 25.000 đồng/cổ phiếu đầu năm, HSG đã khiến ông chủ và các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này thua lỗ trên 70% khoản đầu tư.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vừa thông báo về việc đăng ký mua vào 4 triệu cổ phiếu HSG thông qua phương thức thỏa thuận.
Với mức giá chỉ 7.000 đồng/cổ phiếu hiện nay, con số mà ông Vũ chi ra để mua vào số cổ phiếu này vào khoảng 28 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cùng thời điểm ông Lê Phước Vũ công bố thông tin đăng ký mua vào lượng cổ phiếu trên thì Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen, nơi ông Vũ đang là chủ tịch cũng muốn bán ra lượng cổ phiếu tương ứng để giảm tỷ lệ sở hữu còn 24,32%.
Như vậy, nhiều khả năng đây sẽ là thương vụ bán sang tay cổ phiếu giữa chính ông chủ tập đoàn này với doanh nghiệp của mình nhằm gia tăng tỷ lệ sở hữu trực tiếp của ông tại Hoa Sen.
Tuy nhiên, việc mua bán cổ phiếu theo kiểu lấy từ “túi trái bỏ sang túi phải” của ông chủ tập đoàn này chỉ là một điểm nhỏ trong hàng loạt vấn đề đau đầu mà Tập đoàn này đang trải qua.
Liệu có lâm vào “vòng xoáy” nợ nần?
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu Hoa Sen làm ăn hiệu quả, lợi nhuận ròng tăng trưởng tương ứng cùng với số nợ vay. Đằng này càng vay nợ nhiều, lợi nhuận của Hoa Sen càng giảm, hàng tồn kho cao và các khoản phải thu ngắn hạn ngất ngưởng.
Tính đến quý III/2018, tổng dư nợ vay của HSG đã lên đến hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn hơn 12.000 tỷ đồng, tỷ số nợ phải trả trên tổng tài sản lên gần 78%.
Hiện, HSG đang vay tại 16 ngân hàng cả trong lẫn ngoài nước, trong đó có 3 ngân hàng lớn của Việt Nam là BIDV, Vietcombank, VietinBank lần lượt đều cho vay đến con số vài nghìn tỷ đồng.
Dù HSG đã tất toán 8 khoản nợ tại 5 ngân hàng, giá trị các khoản vay ngắn hạn lại tăng lên, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của Hoa Sen vẫn lên mức kỷ lục là 3,02 lần.
Gần đây, tập đoàn này liên tục có văn bản giải trình gửi cho Hose về kết quả kinh doanh năm sau thấp hơn năm trước, quí sau thấp hơn quí trước với các lý do: giá vốn bán hàng tăng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng, chi phí lãi vay tăng.
Đơn cử, quí 1.2018 lợi nhuận sau thuế của tập đoàn vỏn vẹn 87 tỉ đồng, quí 2.2018 còn thấp hơn, chưa đầy 83 tỉ đồng. Báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2018 (niên độ tài chính 2017-2018) của Hoa Sen cho hay tập đoàn lỗ tới 102 tỷ đồng trong kỳ dù doanh thu vẫn tăng 24%.
Nguyên nhân gây ra khoản lỗ là do chi phí tăng cao khiến biên lợi nhuận gộp giảm mạnh, cùng với đó là chi phí lãi vay cao và lỗ tỷ giá tăng cao dù sản lượng hàng bán ra vẫn ổn định.
Tính trong cả niên độ tài chính 2017-2018, Hoa Sen ghi nhận doanh thu tăng 32% nhưng lãi ròng lại giảm mạnh 69% chỉ đạt 410 tỷ đồng.
Tình hình trong tương lai của cổ phiếu này cũng khiến nhiều nhà đầu tư đang hoang mang lo lắng. Khi tỷ giá, lãi suất đã qua vùng đáy và được báo có xu hướng tăng liệu có khiến Hoa Sen lâm vào “vòng xoáy” nợ nần?
Ngoài ra, cũng như các “đại gia nợ” khác, 70% nợ vay của HSG là ngắn hạn, và việc doanh nghiệp này sử dụng nợ ngắn hạn đầu tư dài hạn ở tầm quy mô trong điều kiện thị trường tài chính biến động luôn tiềm ẩn mạo hiểm.
Bạn đang đọc bài viết "Cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) rơi không phanh" tại chuyên mục Tài chính - Chứng khoán.
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).