35 năm HIV tại Việt Nam: Người sống với HIV tự tin chia sẻ câu chuyện giữa nơi công cộng

Ngày 3/7, tại Trung tâm thương mại Parc Mall (TP Hồ Chí Minh), Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng các tổ chức cộng đồng tổ chức sự kiện “35 năm HIV tại Việt Nam”. Chương trình diễn ra trong không gian mở, thu hút đông đảo sự tham gia của các đại biểu ngành y tế, cộng đồng người sống với HIV và người dân.
Chú thích ảnh Đại diện ban tổ chức kí kết đồng hành cùng chương trình HIV tại Việt Nam. 

Tại sự kiện, hình ảnh dải ruy băng đỏ khổng lồ, biểu tượng toàn cầu của phòng, chống HIV/AIDS lần đầu tiên được trưng bày công khai tại một trung tâm thương mại, nơi có đông người dân qua lại. Theo anh Nguyễn Anh Phong, nhà hoạt động xã hội vì cộng đồng người có HIV, đây là dấu mốc quan trọng trong hành trình người sống với HIV bước ra ánh sáng. 

Chương trình có sự tham dự của các đại biểu: Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế); bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, Chủ tịch Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP Hồ Chí Minh; đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC); các cựu lãnh đạo ngành y tế như BS Trương Xuân Liễu, TS.BS Lê Trường Giang cùng nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng đồng hành như NSND Trịnh Kim Chi, Hoa hậu H’Hen Niê, Hoa hậu Bùi Quỳnh Hoa…

Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân cho biết: “Trước đây, các sự kiện liên quan đến HIV thường diễn ra ở hội trường hoặc không gian kín đáo. Đây là lần đầu tiên, một chương trình kỷ niệm lớn như vậy được tổ chức tại trung tâm thương mại - không gian công cộng. Điều này thể hiện sự thay đổi lớn trong nhận thức xã hội và sự tự tin của chính người sống với HIV”.

Nhiều người sống với HIV đã xuất hiện công khai tại chương trình, chia sẻ trực tiếp câu chuyện của mình. Một trong những nhân vật gây xúc động mạnh là cô Nguyễn Thị Thu Hồng, ngụ tại quận Bình Thạnh (cũ), người đã sống chung với HIV hơn 30 năm. Cô Hồng kể: “Lúc đầu tôi không uống thuốc vì thấy mình vẫn khỏe. Sau khi điều trị, mặt tôi đen lại, người ta đồn tôi bị cùi. Tôi rất sợ chết vì HIV theo cách xấu xí nên tự nhủ phải sống cho đẹp, cả nghĩa đen và nghĩa bóng”.

Tại chương trình, một câu hỏi được đặt ra: “Nếu nhiễm HIV, bạn sống được bao lâu?”. Nhiều người đứng dậy trả lời: người 8 tháng, người 5 năm, người 33 năm. Câu trả lời ngắn gọn nhưng lan tỏa thông điệp rõ ràng: HIV không còn là bản án tử.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế, đánh giá cao nỗ lực của các tổ chức cộng đồng và ngành y tế trong 35 năm qua. Ông cho biết: “Tính đến nay, Việt Nam có khoảng 250.000 người đang sống với HIV, phần lớn được điều trị ổn định bằng thuốc ARV. Nhiều người trong số đó vẫn có thể lao động, học tập và sinh hoạt như người bình thường".

Theo ông Tâm, mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 là chấm dứt dịch AIDS, thông qua chiến lược “95 - 95 - 95”: 95% người nhiễm HIV biết tình trạng bệnh, 95% người biết tình trạng được điều trị và 95% người điều trị có tải lượng virus dưới ngưỡng lây nhiễm. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, giảm kỳ thị và phòng ngừa trong cộng đồng, đặc biệt ở nhóm thanh niên, cũng là nhiệm vụ trọng tâm.

“Chúng ta đã có điều trị dự phòng HIV như PrEP, thuốc ARV hiệu quả, nhưng quan trọng nhất vẫn là nhận thức. Việc tổ chức sự kiện tại nơi công cộng như hôm nay là một thông điệp mạnh mẽ về sự bình thường hóa HIV trong cộng đồng. Chúng ta cần nhìn HIV như một bệnh mãn tính có thể kiểm soát, không phải thứ để kỳ thị”, ông Tâm nói.

Chương trình “35 năm HIV tại Việt Nam” cũng kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội từ ngành y tế, tổ chức cộng đồng, báo chí đến mỗi người dân, trong hành trình hướng đến một xã hội không kỳ thị, không phân biệt đối xử với người sống với HIV.