Xi măng Công Thanh lỗ thêm 1.444 tỷ đồng, vốn chủ âm hơn 8.400 tỷ

CTCP Xi măng Công Thanh báo cáo lỗ thêm 1.444 tỷ đồng trong năm 2024, nâng tổng lỗ lũy kế lên hơn 9.372 tỷ đồng và khiến vốn chủ sở hữu âm hơn 8.472 tỷ đồng. Đáng chú ý, đơn vị kiểm toán đã từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2024 của công ty.

Theo báo cáo tài chính năm 2024 vừa được Xi măng Công Thanh gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), khoản lỗ 1.444 tỷ đồng trong năm qua tuy đã giảm so với mức lỗ của năm 2023, nhưng vẫn tiếp tục nối dài chuỗi kinh doanh khó khăn của doanh nghiệp này. Tính đến cuối năm 2024, lỗ lũy kế của công ty đã vượt 9.372 tỷ đồng. Điều này đã kéo vốn chủ sở hữu của Xi măng Công Thanh xuống mức âm 8.472 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ đăng ký là 900 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc toàn bộ vốn góp đã bị mất.

Tổng nợ phải trả của Xi măng Công Thanh tính đến cuối năm 2024 tiếp tục tăng 6% so với đầu năm, lên 20.129 tỷ đồng. Trong cơ cấu nợ, dư nợ vay ngân hàng là 3.445 tỷ đồng và vay từ phát hành trái phiếu trong nước là 1.790 tỷ đồng, phần còn lại là các khoản nợ phải trả khác. Tổng tài sản của doanh nghiệp tại ngày 31/12/2024 là 11.657 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 12.000 tỷ đồng hồi đầu năm.

Các chỉ số tài chính quan trọng của công ty cũng cho thấy tình hình đáng báo động. Hệ số thanh toán ngắn hạn (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) giảm từ 0,2 lần xuống còn 0,17 lần. Hệ số thanh toán lãi vay (lợi nhuận trước thuế và lãi vay/lãi vay) cũng hạ từ 0,14 lần về 0,13 lần, thể hiện khả năng trả lãi vay rất yếu.

Đặc biệt, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 của Xi măng Công Thanh do Công ty TNHH Kiểm toán DFK Việt Nam thực hiện đã bị đơn vị này từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán. Đây là một dấu hiệu nghiêm trọng về tính minh bạch và độ tin cậy của các số liệu tài chính được công bố.

Xi măng Công Thanh lỗ thêm 1.444 tỷ đồng, vốn chủ âm hơn 8.400 tỷ - Ảnh 1

Giải trình về kết quả kinh doanh thua lỗ, phía Xi măng Công Thanh cho biết thị trường xây dựng nội địa vẫn đang trong giai đoạn hồi phục chậm, khiến việc tiêu thụ xi măng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu cũng chưa khả quan như giai đoạn trước dịch Covid-19.

Những khó khăn về tài chính cũng khiến công ty chậm thanh toán hơn 210 tỷ đồng tiền lãi trong năm 2024 cho 4 lô trái phiếu (mã XMCT1209, XMCT0510_5, XMCT0510_8, XMCT1210_1500). Các lô trái phiếu này có tổng giá trị còn lại vào cuối năm 2024 là 2.383 tỷ đồng, được phát hành từ năm 2009 và 2010 với kỳ hạn 20 - 21 năm, dự kiến đáo hạn vào năm 2030. Công ty cho biết sẽ thanh toán phần gốc khi đến hạn.

Hiện tại, Xi măng Công Thanh đang xây dựng kế hoạch tái cấu trúc nhân sự và quy trình sản xuất để tối ưu chi phí vận hành. Đồng thời, công ty cũng đang làm việc với các đối tác để có phương án tái cấu trúc tài chính tối ưu nhất. Ban Tổng giám đốc công ty đánh giá rằng doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục tạo ra dòng tiền từ hoạt động kinh doanh để đáp ứng việc trả nợ vay và duy trì hoạt động liên tục trong các năm tiếp theo.

Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh được thành lập vào tháng 1/2006, có trụ sở chính tại thôn Tam Sơn, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Hoạt động kinh doanh chủ yếu của công ty là sản xuất clinker, xi măng, vôi và thạch cao.