TP Hồ Chí Minh: Nhiều căn nhà siêu nhỏ, siêu mỏng xuất hiện sau giải phóng mặt bằng

Sau khi giải phóng mặt bằng để mở rộng đường, nhiều căn nhà siêu mỏng, hình dạng bất thường đã xuất hiện dọc các trục đường lớn tiềm ẩn mất an toàn và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị tại TP Hồ Chí Minh.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức và Dân tộc, trên các tuyến đường như Bùi Đình Túy, Chu Văn An (phường Bình Thạnh), Cách Mạng Tháng Tám (phường Nhiêu Lộc, phường Hòa Hưng, phường Tân Sơn Nhất), Dương Quảng Hàm (phường An Nhơn), Phạm Văn Đồng (phường Hạnh Thông)… có khá nhiều căn nhà siêu mỏng, diện tích rất nhỏ. Phần lớn các căn nhà này hình thành sau quá trình giải tỏa, mở rộng đường; được người dân xây dựng lại trên phần diện tích còn lại để ở hoặc buôn bán, kinh doanh.

Chú thích ảnh Phần diện tích còn lại của một hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án mở rộng đường Chu Văn An, phường Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.
Chú thích ảnh Ông L. ngụ đường Chu Văn An (phường Bình Thạnh) cố bám trụ trên phần diện tích còn lại sau mở rộng đường.
Chú thích ảnh Một căn nhà có diện tích siêu nhỏ vừa được hoàn thiện sau dự án mở rộng đường Chu Văn An.
Chú thích ảnh Một căn nhà có chiều sâu tầm 1,5m đang trong giai đoạn hoàn thiện tại đường Chu Văn An, phường Bình Thạnh. 

Ông N.V.L. ngụ trên đường Chu Văn An (phường Bình Thạnh) cho biết: "Trước đây, căn nhà của tôi có diện tích khoảng 127m². Sau khi giải tỏa mở rộng đường, căn nhà chỉ còn hơn 10m². Với giá bồi thường này, tôi chỉ có thể mua được căn nhà ở xa trung tâm. Tôi làm nghề điện lạnh hơn 20 năm nay, giờ mà đi xa như vậy thì làm gì để sinh sống, nên phần diện tích còn lại, tôi đã xây dựng nhà để làm nghề mua bán, kinh doanh".

Tương tự, bà V.C. ngụ ở đường Phạm Văn Đồng (phường Hạnh Thông) cũng đang sống trong một căn nhà có khoảng vài tất chiều sâu và chiều ngang khoảng 4 - 5m. Bà C. cho biết, bà đã sinh sống trên căn nhà có “hình tam giác” này đã hơn 12 năm nay, từ khi tuyến đường Phạm Văn Đồng được đưa vào sử dụng từ năm 2013.

"Tôi hiện đang sống một mình, buôn bán nhỏ ở chợ. Khi được bồi thường phần diện tích nhà bị ảnh hưởng từ hơn 10 năm trước, tôi cũng không đủ khả năng để mua căn nhà khác, mà nếu mua được thì phải đi rất xa, tôi lấy gì làm kế sinh nhai”, bà C chia sẻ.

Một chuyên gia kiến trúc tại TP Hồ Chí Minh cho biết, việc nhiều hộ dân vẫn bám trụ trong những căn nhà chỉ còn vài mét vuông xuất phát từ chính sách tái định cư chưa thật sự hấp dẫn. Ngoài ra, mức bồi thường, hỗ trợ đối với phần diện tích nằm ngoài ranh dự án còn hạn chế, khiến họ chọn ở lại thay vì di dời.

“Để chấm dứt tình trạng nhà siêu mỏng sau giải phóng mặt bằng tại TP Hồ Chí Minh, cần thực hiện bồi thường, giải tỏa sát với giá thị trường. Khi đó, mới có thể xử lý triệt để vấn đề và tạo diện mạo đô thị khang trang hơn”, chuyên gia này kiến nghị.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh Một căn nhà có chiều sâu chưa đến 1m tại đường Phạm Văn Đồng, phường Hạnh Thông.

Theo Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc TP Hồ Chí Minh, để hạn chế tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, năm 2021, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 56/2021/QĐ-UBND về Quy chế quản lý kiến trúc. Theo đó, Thành phố khuyến khích việc gộp các thửa đất nhỏ thành thửa lớn, hợp khối những công trình quy mô nhỏ nhằm tạo nên diện mạo kiến trúc đô thị đồng bộ, khang trang.

Đối với nhà ở riêng lẻ, việc người dân xây dựng phải tuân thủ quy hoạch, chỉ giới, khoảng lùi và mật độ cho phép. Đại diện Trung tâm cũng cho biết, sắp tới TP Hồ Chí Minh sẽ ban hành quy chế quản lý kiến trúc mới, kế thừa quy định hiện hành nhưng chi tiết và chặt chẽ hơn.