Thiết kế tối ưu hóa năng lượng là giải pháp cần thiết để phát triển bền vững cho khu công nghiệp và đô thị

09/09/2024 21:29

 

gf​ Thiết kế tối ưu hóa năng lượng là giải pháp cần thiết để phát triển bền vững cho khu công nghiệp và đô thị.

 

Trong Hội thảo "Giải pháp toàn diện cho khu công nghiệp và đô thị bền vững" được tổ chức tại trung tâm vận hành Keppel (ngày 27/8/2024) vừa qua, nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phát triển bền vững, xây dựng, và quản lý khu công nghiệp, khu đô thị, … đã đưa ra những sáng kiến, giải pháp mới nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững trong lĩnh vực công nghiệp và đô thị tại Việt Nam.


Sau phần chia sẻ về "Xu hướng phát triển & tiêu chuẩn đánh giá KCN - KĐT xanh" của Ông Santanu Dutta Gupta, Phó Giám đốc Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ với các nhận định về xu hướng toàn cầu, tiêu chuẩn đánh giá KCN - KĐT xanh và sự cần thiết phải áp dụng các tiêu chuẩn xanh trong quá trình phát triển khu công nghiệp và khu đô thị. Ông Trần Thành Vũ - Giám đốc Công ty TNHH Edeec, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ (IRAT) cho rằng, việc tối ưu hóa năng lượng không chỉ là một mục tiêu cần thiết trong bối cảnh phát triển bền vững, mà còn là yếu tố then chốt giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển và bảo tồn tài nguyên.


Theo ông Trần Thành Vũ, hiện tại với các doanh nghiệp đang hướng tới Net Zero thì việc thiết kế hiệu quả năng lượng song hành với đánh giá hiệu quả kinh tế sẽ đóng vai trò then chốt trong việc đạt được mục tiêu Net Zero. “Hiện nay có nhiều giải pháp thiết kế kinh tế năng lượng góp phần quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu bền vững, không tạo thêm gánh nặng chi phí đầu tư ban đầu, thậm chí có thể giảm tổng mức đầu tư; đồng thời rất có lợi về dài hạn và đáp ứng các điều kiện xuất khẩu sản phẩm có tính thân thiện môi trường”, ông Vũ thông tin.

 

vc

Ban tổ chức và các khách mời danh dự tại Hội thảo.

 

Còn bà Lê Phương Anh - Giám đốc Chương trình Công trình bền vững Việt Nam (SBVN) thì cho rằng, định hướng Net Zero và lộ trình giảm phát thải CO2 đều là những mục tiêu mới không chỉ đối với Việt Nam mà với toàn thế giới. Việt Nam cần được tiếp cận những phương pháp thiết kế, các phương thức tính toán, những công cụ mới để đạt được mục tiêu này, đặc biệt đối với ngành xây dựng công trình khi các toà nhà hiện chiếm đến trên 40% tổng tiêu thụ điện của toàn quốc gia. “Tuy vậy, các nhà đầu tư, nhà phát triển dự án khu công nghiệp, khu đô thị, … còn có nhiều nghi ngại, nhiều vấn đề lấn cấn khi tiếp xúc với các công cụ và nguyên lý mới” - bà Phương Anh nhận định.


Cũng theo bà Phương Anh, thị trường công trình xanh và bền vững tại Việt Nam chỉ có thể phát triển mạnh, giúp góp phần vào mục tiêu Net Zero 2050 nếu nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật cho dự án và nâng cao nhận thức cho cộng đồng. “Do đó, thông qua các hoạt động đào tạo, chia sẻ, nâng cao năng lực, nhận thức và hỗ trợ kỹ thuật cho các cá nhân, đơn vị quan tâm đến phát triển bền vững, chương trình SBVN sẽ thúc đẩy sự phát triển của công trình hiệu quả năng lượng tại Việt Nam, hỗ trợ thiết kế các toà nhà đầu tiên đạt Net Zero Energy” - Giám đốc SBVN cho biết thêm.


Cùng quan điểm với các chuyên gia tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Founder Sen Vàng Group, có những chia sẻ các phương pháp phát triển bền vững cho doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp và khu đô thị. Theo bà Bích Ngọc, ngày nay để chủ đầu tư hay nhà phát triển dự án ghi điểm với công chúng thì việc tập trung vào việc xây dựng chiến lược xanh - phát triển bền vững là hết sức quan trọng. “Để đạt được sự bền vững trong kinh doanh, các doanh nghiệp cần phải tích hợp chiến lược xanh vào kế hoạch phát triển của mình như áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về xây dựng xanh, sử dụng năng lượng hiệu quả, tối ưu hóa quản lý tài nguyên,…” - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay.

 

gh

Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng, thiết kế tối ưu hóa năng lượng là giải pháp phát triển cho khu công nghiệp và đô thị bền vững.


Ngoài ra, nói đến phát triển bền vững, không thể không nhắc đến các giải pháp tài chính, vay vốn xanh, là điều được đặc biệt quan tâm bởi các chủ đầu tư và nhà phát triển dự án, ông Lý Minh Quang, Giám đốc Ban khách hàng FDI và NVQT VietinBank đã giới thiệu chiến lược kinh doanh hướng tới phát triển bền vững cũng như các cam kết hỗ trợ tài chính cho mục tiêu phát triển bền vững của VietinBank. Trong đó, có thể kể đến một số “dấu chân xanh” của VietinBank trong thời gian qua như Khung tài chính bền vững của VietinBank đã được bên thứ hai độc lập - Morningstar Sustainalytics đánh giá là “đáng tin cậy và có tác động lớn” đối với sự phát triển bền vững.


Bên cạnh đó, tính đến hết quý II/ 2024, tổng dư nợ tín dụng xanh của VietinBank đã đạt đến 42.3 ngàn tỉ vnđ cho hơn 1,000 khách hàng thuộc 6 lĩnh vực chính. VietinBank cũng đồng hành cùng chính phủ và tham gia vào COP28, ký kết thoả thuận hợp tác cùng MUFG huy động lên tới 1 tỉ USD nhằm thúc đẩy phát triển ESG và bền vững tại Việt Nam. Hiện tại, ngân hàng đang thực hiện gói Green Up lên tới 5,000 tỉ VNĐ và sản phẩm Green Deposit để hỗ trợ cho các dự án mang đến lợi ích về môi trường như năng lượng xanh, xuất khẩu xanh, công trình xanh, … đây là một trong những thông tin được rất nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư tại Việt Nam đón nhận, ông Lý Minh Quang thông tin thêm.


Đặc biệt, dưới góc nhìn của một nhà phát triển dự án, ông Andy Han – CEO của Filmore Development (một đơn vị hướng đến mục tiêu trở thành nhà phát triển bất động sản bền vững, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về xây dựng xanh, … ) cho biết, phát triển bền vững đang là xu hướng và mục tiêu của rất nhiều nhà phát triển bất động sản nói chung, và Filmore Development nói riêng. Đó là một chặng đường dài hạn và đi kèm chi phí, hệ quả là giá thành sẽ cao hơn các dự án cùng phân khúc. Tuy nhiên, nếu phát triển bền vững được ủng hộ cả từ phía khách hàng, thì tốc độ triển khai sẽ được thúc đẩy nhanh và hiệu quả hơn, – CEO của Filmore Development nhận định.

 

Tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc được tổ chức tại Glasgow (COP26) năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố cam kết dần loại bỏ nhiệt điện than đến năm 2040 và đạt phát thải carbon ròng bằng 0 (Net zero) vào năm 2050.


 

Hải Minh

Bạn đang đọc bài viết "Thiết kế tối ưu hóa năng lượng là giải pháp cần thiết để phát triển bền vững cho khu công nghiệp và đô thị" tại chuyên mục Doanh nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).