Sở Y tế TP.HCM, trên địa bàn TP.HCM có 21 cơ sở tiêm chủng thuộc Công ty cổ phần dược phẩm FPT Long Châu. Cụ thể, Q.3 (2 cơ sở); Q.4 (1 cơ sở); Q.7 (1 cơ sở); Q.8 (3 cơ sở); Q.10 (1 cơ sở); Q.Bình Tân (2 cơ sở); H.Củ Chi (1 cơ sở); Q.Gò Vấp (1 cơ sở); H.Hóc Môn (2 cơ sở); Q.Tân Bình (3 cơ sở); Q.Tân Phú (2 cơ sở) và TP.Thủ Đức (2 cơ sở).
Cũng theo Sở Y tế TP.HCM, trong thời gian qua, các Phòng Y tế đã phối hợp Trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động tiêm chủng trên địa bàn quản lý theo quy định của Bộ Y tế.
Qua báo cáo của các Phòng Y tế, các cơ sở tiêm chủng của Công ty cổ phần dược phẩm FPT Long Châu vẫn duy trì được các điều kiện thực hiện tiêm chủng, có một số cơ sở còn tồn tại cần khắc phục. Các Phòng Y tế đã lập biên bản và công ty cam kết sẽ khắc phục.
Liên quan đến 2 trường hợp phản vệ sau tiêm vắc xin tại 2 cơ sở thuộc Công ty cổ phần dược phẩm FPT Long Châu, Sở Y tế TP.HCM đã có thông tin ban đầu.
Theo đó, trong hai ngày 3 và 4.7, Sở Y tế TP.HCM nhận được báo cáo 1 trường hợp phản vệ độ 3 sau khi tiêm vắc xin Twinrix (phòng bệnh viêm gan A và viêm gan B) và vắc xin Bexsero (phòng bệnh não mô cầu nhóm B) và 1 trường hợp phản vệ độ 2 sau tiêm vắc xin Twinrix (phòng bệnh viêm gan A và viêm gan B) từ 2 cơ sở tiêm chủng khác nhau trong hệ thống Long Châu. Đây cũng là 2 trường hợp đầu tiên được báo cáo từ khi các cơ sở tiêm chủng thuộc Công ty cổ phần dược phẩm FPT Long Châu đi vào hoạt động tại TP.HCM.
“Tình trạng phản vệ của cả 2 trường hợp xảy ra trong thời gian 30 phút theo dõi sau khi tiêm chủng tại cơ sở và đã được cơ sở xử trí tại chỗ, sau đó chuyển đến bệnh viện gần nhất để tiếp tục theo dõi và xử trí. Hiện cả 2 người bệnh đã ổn định và xuất viện. Cơ sở tiêm chủng đã thực hiện báo cáo trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng về Sở Y tế đúng theo quy định”, Sở Y tế TP.HCM thông tin.
Theo nguồn tin riêng của PV Thanh Niên, Sở Y tế TP.HCM đang chuẩn bị họp hội đồng chuyên môn đánh giá 2 ca phản vệ trên.
Theo: Duy Tính/ https://thanhnien.vn/