Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Hội nghị trung ương 12 - khóa XIII

Người Đưa Tin đăng tải toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm Hội nghị trung ương 12 - khóa XIII đã khai mạc sáng 18/7.
Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Hội nghị trung ương 12 - khóa XIII - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc hội nghị (ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thưa các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,

Thưa các đồng chí đại biểu dự Hội nghị,

Hôm nay, Ban Chấp hành Trung ương tiến hành Hội nghị lần thứ 12 trong không khí cả nước đang tràn đầy phấn khởi, thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của dân tộc và quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; các mục tiêu của Đại hội lần thứ XIII, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đây là Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được triệu tập sớm hơn gần 3 tháng so với kế hoạch đề ra, thể hiện tinh thần chủ động, khẩn trương, trách nhiệm cao của toàn Đảng trong việc chuẩn bị một cách toàn diện, kỹ lưỡng các nội dung trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí đại biểu tham dự Hội nghị và gửi lời cảm ơn chân thành tới nỗ lực không mệt mỏi của các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, của toàn thể Đảng viên trong thực hiện các nhiệm vụ của Đảng, đặc biệt là những công việc từ sau Hội nghị Trung ương 11 đến nay; cảm ơn toàn đảng đã đoàn kết, đồng lòng cùng Nhân dân cả nước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp vào ngày 01-07-2025 với không gian phát triển mới; đưa dân tộc bước vào một chương mới trong lịch sử hình thành và phát triển của đất nước.

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta chuyển trạng thái từ "Vừa chạy vừa xếp hàng" sang "Hàng thẳng, lối thông, đồng lòng cùng tiến" vươn tới tương lai. Từ Trung ương đến 34 tỉnh, thành phố và 3.321 xã, phường, đặc khu, cả hệ thống chính trị và hệ thống hành chính đều đang vận hành theo hướng đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng quản trị, điều hành khoa học, hạn chế trung gian, xóa bỏ trùng lắp chức năng, gần dân hơn, sát dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn. Đây là bước đột phá về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thể hiện quyết tâm cao của Đảng trong việc thiết lập một thiết chế quản trị hiện đại, liêm chính, tinh gọn và hướng tới người dân.

Điều đặc biệt đáng trân trọng là các chủ trương lớn, những quyết sách chiến lược mang tính lịch sử nêu trên đã và đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, sự hưởng ứng tích cực và niềm tin sâu sắc của các tầng lớp nhân dân. Đồng bào cả nước bày tỏ kỳ vọng lớn lao vào sự nghiệp đổi mới của Đảng, tin tưởng vào tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh chính trị và đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây là nền tảng chính trị - xã hội vững chắc, quý báu để chúng ta tiếp tục tiến bước trong kỷ nguyên mới.

Thưa các đồng chí,

Theo Quy chế làm việc, Văn phòng Trung ương Đảng đã gửi tài liệu tới các đồng chí nghiên cứu trước. Tại Hội nghị lần này, các đồng chí tập trung thảo luận cho ý kiến vào ba nhóm nội dung lớn, đó là Nhóm nội dung về công tác chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng; Nhóm nội dung tạo cơ sở chính trị, pháp lý cho mục tiêu tiếp tục cải cách, đổi mới đất nước trong thời gian tới; Nhóm nội dung về công tác cán bộ.

Đối với nhóm nội dung thứ nhất, các Tiểu ban văn kiện Đại hội XIV đã tiếp thu chọn lọc, nghiêm túc ý kiến tham gia góp ý của các đồng chí Trung ương tại Hội nghị Trung ương 11 cũng như tại dự thảo các Văn kiện; ý kiến đóng góp của Đảng viên và quần chúng nhân dân, của một số Đại hội đảng bộ cấp xã, phường được tổ chức trong thời gian vừa qua.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các tiểu ban Văn kiện gấp rút điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các Văn kiện (Báo cáo Chính trị, Báo cáo Kinh tế- xã hội, Báo cáo xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng, Báo cáo Tổng kết 40 năm đổi mới) để trình Trung ương cho ý kiến. Qua nhiều lần bổ sung, hoàn thiện, nội dung Văn kiện cơ bản đã đảm bảo các yêu cầu đề ra như tính cách mạng, tính khoa học, tính chiến lược, tính thực tiễn, tính đồng bộ, tính khả thi, tính định hướng… Tuy nhiên để nội dung Dự thảo Văn kiện lần này không chỉ là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, mà còn là "ngọn đuốc soi đường" cho công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn mới, vì vậy, từng câu chữ, từng nội dung trong các dự thảo Văn kiện phải thực sự cô đọng, súc tích, chiến lược mà cụ thể, vi mô vì vĩ mô, phản ánh đúng thực tiễn, dự báo đúng xu thế và định hướng được tương lai.

Đối với nhóm nội dung tạo cơ sở chính trị cho việc tiếp tục cải cách, đối mới trong thời gian tới, Trung ương đã chỉ đạo các cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo hành lang pháp lý cho phát triển đất nước. Trung ương quyết tâm tháo gỡ triệt để các rào cản pháp lý vì vấn đề này được coi là "Điểm nghẽn của nghẽn" (Trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội đã thông qua 34 luật, ban hành 34 Nghị quyết, trong đó có 14 Nghị quyết qui phạm pháp luật. Quốc hội dự kiến xem xét thông qua 23 dự luật và xem xét thông qua 12 Nghị quyết cho kỳ họp thứ 10. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, Công điện hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và nâng cao đời sống nhân dân). Tại Hội nghị 12 này, Trung ương cũng sẽ xem xét, cho ý kiến về một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung tại các Nghị quyết Trung ương trong lĩnh vực đất đai (NQ18 ngày16/6/2022); xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN (NQ27 ngày 09/11/2022); giáo dục và đào tạo (NQ29 ngày 04/11/2013; NQ19 ngày25/10/2017); cho chủ trương định hướng điều chỉnh Qui hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Đối với nhóm nội dung công tác cán bộ, xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng, Trung ương sẽ xem xét bổ sung quy hoạch Ban chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị khóa XIV; phương hướng công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa XIV; xem xét công tác cán bộ thuộc thẩm quyền. Nhóm nội dung này đã được Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, lớp lang, tuân thủ Điều lệ và các qui định của Đảng, của Pháp luật hiện hành.

Đối với nội dung báo cáo trình Đại hội XIV về Tổng kết công tác xây dựng và thi hành điều lệ Đảng, Văn kiện đã đánh giá khá rõ nét nguyên nhân thành công trong qúa trình thực hiện 10 nhiệm vụ về xây dựng Đảng, 3 nhiệm vụ trọng tâm và 3 giải pháp đột phá mà Đại hội XIII đã đề ra. Báo cáo Tổng kết 15 năm thi hành điều lệ Đảng (2011-2025), rút ra những bài học sâu sắc về công tác này. Đồng thời văn kiện cũng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải giải pháp công tác Xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIV.

Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Hội nghị trung ương 12 - khóa XIII - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc Hội nghị (ảnh: Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thưa các đồng chí,

Vì tính chất đặc biệt quan trọng trong các nội dung trình ra Hội nghị, Tôi đề nghị Trung ương cần tập trung trí tuệ, thảo luận kỹ các vấn đề cốt lõi sau:

Thứ nhất: đánh giá khách quan, toàn diện với góc nhìn của người tham gia hoạch định chính sách và chỉ đạo thực thi chính sách về những thành tựu và hạn chế trong nhiệm kỳ khóa XIII, từ đó xác định rõ nguyên nhân, rút ra bài học sâu sắc, nhất là về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đảng.

Thứ hai: đóng góp ý kiến tổng thể, cụ thể, khoa học về nội dung tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN trong 40 năm qua, nhất là những bài học kinh nghiệm để làm cơ sở cho quá trình đổi mới tiếp theo trong giai đoạn mới.

Thứ ba: xác định cho được mục tiêu tổng quát và các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ tới: phát triển nhanh, bền vững trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng nền hành chính phục vụ, quản trị công hiện đại; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, kỷ cương, tiến bộ.

Thứ tư: đưa ra những định hướng lớn về bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị, xã hội; xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc trong bối cảnh mới; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và thực chất hơn vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế quốc tế và nền văn minh nhân loại.

Thứ năm: xác định rõ phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV. Đây là nội dung đặc biệt hệ trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thành bại của toàn bộ nhiệm kỳ tới. Nhân sự phải bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tư duy đổi mới, đạo đức trong sáng, hành động quyết liệt vì tập thể, vì nhân dân, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Phải tuân thủ lời Bác dạy "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc".

Thứ sáu: góp ý cho Dự thảo báo cáo Tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng cần tập trung vào phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIV, đặc biệt chú ý đến mô hình tổ chức, năng lực cán bộ theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn công tác xây dựng Đảng trong thời kỳ mới, nhấn mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng bên cạnh kiến nghị sửa đổi đồng bộ hệ thống các qui định về công tác cán bộ, qui hoạch, phân cấp quản lý; tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ; hệ thống chức danh, chức vụ; đào tạo lý luận chính trị… xây dựng Điều lệ không chỉ là khung pháp lý mà còn là "linh hồn" của kỷ luật đảng, nền tảng giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng.

Thứ bảy: đóng góp ý kiến tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia theo mô hình phát triển mới. Với sự chuyển đổi về không gian hành chính kinh tế xã hội, hệ thống luật pháp cũng phải hoàn thiện theo, vừa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, vừa mở đường cho cái mới, bảo vệ cái đúng, xóa bỏ rào cản, tháo gỡ nút thắt thể chế. Pháp luật phải tạo thuận lợi để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì nhân dân.

Thứ tám: cho ý kiến về việc tích hợp nội dung 3 báo cáo: Báo cáo Chính trị, Báo cáo kinh tế-xã hội, Báo cáo Tổng kết xây dựng Đảng thành "Báo cáo Chính trị" mới trình Đại hội XIV.

Thứ chín: tiếp tục đóng góp ý kiến cho Trung ương về công tác điều hành, vận hành bộ máy chính quyền hai cấp đang được thực hiện. Cần phản ánh thực tế từng địa phương, cơ sở có khó khăn gì, cần Trung ương hỗ trợ gì ngoài nỗ lực của địa phương, của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để thực hiện cho được mục tiêu ổn định, phát triển, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân.

Thưa các đồng chí,

Để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn trong thời gian ngắn, yêu cầu đặt ra là từng Ủy viên Trung ương cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, thảo luận dân chủ, thẳng thắn, khách quan và cầu thị. Phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Không để bất kỳ lợi ích cục bộ, cảm tính cá nhân hay nể nang, né tránh làm ảnh hưởng tới chất lượng quyết sách. Mỗi ý kiến đóng góp tại Hội nghị lần này không chỉ có ý nghĩa với nội dung văn kiện, mà còn có vai trò trong việc hình thành đường lối chiến lược của Đảng ta từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, 2050.

Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, với truyền thống đoàn kết, kỷ cương, kỷ luật của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; với trí tuệ , ý chí đổi mới và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Hội nghị Trung ương 12 sẽ thành công tốt đẹp, tạo đà vững chắc cho công tác chuẩn bị Đại hội XIV của đảng, đáp ứng kỳ vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị Trung ương 12, khóa XIII.

Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí.