Nhiều tồn đọng trên báo cáo tài chính, Viettel Global (VGI) chưa hẹn ngày chuyển sàn

10/06/2024 12:30

Trả lời câu hỏi của cổ đông về vấn đề chuyển sàn niêm yết sang HoSE nhiều năm chưa thể thực hiện, lãnh đạo Viettel Global cho biết tổng công ty cần giải quyết các vấn đề bị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ trên báo cáo tài chính.

Ngày 5/6/2024, Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Vietttel (Viettel Global – mã CK: VGI) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với tổng doanh thu hợp nhất 31.746 tỷ và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 5.477 tỷ đồng. Con số này cao hơn 41% so với thực hiện năm ngoái và là mức kỷ lục kể từ khi hoạt động của tổng công ty.

Lợi nhuận 2024 khởi sắc nhờ lợi nhuận của các thị trường đầu tư dự kiến tăng mạnh và giảm trích lập dự phòng tại công ty mẹ, cụ thể Natcom tăng 231 tỷ (+18%), Halotel giảm lỗ 392 tỷ, Metfone tăng gần 139 tỷ (+7%); Movitel_E tăng 105 tỷ (+40%). Đồng thời, công ty mẹ dự kiến tăng 1.260 tỷ nhờ giảm trích lập dự phòng và giảm lãi chênh lệch tỷ giá so với năm trước. Tổng công ty cũng đặt mục tiêu tăng tối thiểu 2 triệu thuê bao viễn thông và tăng tối thiểu 6 triệu thuê bao số.

Trước đây, lợi nhuận của Viettel Global có giai đoạn thường xuyên trồi sụt thất thường, thậm chí lỗ nặng hàng nghìn tỷ. Đáng chú ý nhất là năm 2016 khi doanh nghiệp lỗ ròng đến gần 3.500 tỷ đồng, bắt đầu chuỗi 4 năm thua lỗ liên tiếp, chủ yếu dưới thời Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc ông Lê Đăng Dũng. Từ tháng 8/2018, ông Đỗ Mạnh Hùng được bổ nhiệm để điều hành tổng công ty nhưng ông Dũng vẫn là Chủ tịch HĐQT.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ông Phùng Văn Cường - Tổng Giám đốc Viettel Global cho biết, thời gian đầu mang tiền đầu tư ra nước ngoài trung bình 4 năm là thu hồi vốn. Càng về sau càng khó khăn khi thị trường bão hoà. Với đặc thù ngành viễn thông là đầu tư dài hạn, có những dự án 10-15 năm mới hoà vốn, thậm chí trên 15 năm.

Trước đây, tổng công ty không dám cam kết do biểu đồ lợi nhuận trồi sụt. Khoảng 4 năm gần đây tỷ lệ thu hồi vốn ngày càng tăng. Trung bình những năm gần đây dòng tiền đưa về Việt Nam là khoảng 400 triệu USD. Riêng năm 2023 mang về 394 triệu USD. “Mục tiêu năm nay cũng tương đương khoảng xấp xỉ 400 triệu USD”.

“Với những con số này, hết năm nay có thể Viettel Global sẽ hết lỗ luỹ kế. Mục tiêu đến 2025-2026 cơ bản thu hồi toàn bộ vốn đầu tư ra nước ngoài. Khi đó phần lợi nhuận có thể dùng để chia cổ tức. Nếu hoàn thành xoá lỗ luỹ kế và đến hết 2025 không có biến động này bất thường, Viettel Global sẽ bắt đầu chia cổ tức từ 2026”, Tổng Giám đốc Viettel Global chia sẻ.

Cổ phiếu VGI tăng rất mạnh gần đây, có thời điểm vượt lên vị trí số 2 và thường xuyên nằm trong top 3. Ông Cường cho biết, ban lãnh đạo tổng công ty cũng chịu áp lực từ phía tập đoàn mẹ Viettel trong công tác thoái bớt vốn. Trong lộ trình 2-3 năm tới, Viettel có thể thoái một phần vốn tại Viettel Global.

Chưa thể chuyển sàn do những vấn đề tồn đọng

Trả lời câu hỏi của cổ đông về vấn đề chuyển sàn niêm yết sang HoSE nhiều năm chưa thể thực hiện, lãnh đạo Viettel Global cho biết tổng công ty cần giải quyết các vấn đề bị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ trên báo cáo tài chính.

Trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, các khoản nợ xấu của Viettel Global tại ngày cuối năm 2023 đã tăng mạnh lên gần 18.200 tỷ đồng vào cuối năm 2023, tăng hơn 4.000 tỷ sau một năm. Trong khi đó, Giá trị có thể thu hồi chỉ chưa đến 4.300 tỷ đồng.

Vì thế, Viettel Global phải dự phòng đến hơn 13.900 tỷ đồng đối với các khoản nợ này, tăng mạnh hơn 4.500 tỷ đồng (tương đương gần 48%) so với đầu năm. Cùng chiều với dự phòng, lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp này cũng tăng lên hơn 2.600 tỷ đồng nhưng tỷ trọng không lớn trong tổng tài sản.

Đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với các khoản phải thu liên quan đến Công ty Viettel Cameroon S.A.R.L (VCR) với tổng số tiền gần 8.700 tỷ đồng. Trong năm 2023, tổng công ty đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi cho các khoản phải thu VCR vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất với số tiền là 1.918 tỷ đồng, theo đó, toàn bộ số dư các khoản phải thu VCR tại ngày 31/12 đã được trích lập dự phòng.

Tuy nhiên, tại ngày lập BCTC, đơn vị kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến việc đánh giá giá trị có thể thu hồi làm cơ sở để ghi nhận chi phí dự phòng còn lại này vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2023.

Việc BCTC nhiều năm bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ khiến cổ phiếu VGI bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 10/4/2023. Điều này sẽ là rào cản nếu Viettel Global muốn niêm yết để gia tăng giá trị doanh nghiệp, đảm bảo quyền và lợi ích cho cổ đông trong tương lai bởi đây là một nút thắt không dễ giải quyết.

Viettel Global cho biết đang tích cực giải quyết triệt để các bất đồng với đối tác kinh doanh VCR cũng như đã báo cáo tình hình đầu tư và vướng mắc của dự án liên doanh với Chính phủ Việt Nam và giải thích rằng các vấn đề tồn tại hiện nay khó giải quyết ngay trong ngắn hạn.

Bạn đang đọc bài viết "Nhiều tồn đọng trên báo cáo tài chính, Viettel Global (VGI) chưa hẹn ngày chuyển sàn" tại chuyên mục Doanh nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).