Kinh tế góp phần vào sự phát triển lành mạnh của báo chí

16/06/2024 12:13

(Chinhphu.vn) - "Kinh tế góp phần tạo sự phát triển lành mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của kinh tế, không thể có một cơ quan báo chí mạnh", Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhận định.

Ngày 14/6, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TTT) phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo "Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số".

Theo thống kê, nước ta hiện có 6 cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, 127 báo, 670 tạp chí, 72 cơ quan phát thanh, truyền hình. Tuy khác nhau về loại hình nhưng phần lớn các cơ quan báo chí đang sụt giảm về nguồn thu, nhất là các đài truyền hình và cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính. 

Khó khăn này được chỉ ra, một phần do có sự cạnh tranh với các nền tảng xã hội về quảng cáo - truyền thông; một phần do nguồn lực và cơ chế của nhà nước còn hạn chế và tình trạng vi phạm bản quyền chưa được giải quyết triệt để…

Theo Báo cáo tại Hội nghị Báo chí toàn quốc năm 2023, tính đến hết năm 2023, đối với báo, tạp chí, tỷ lệ tự đảm bảo chi thường xuyên chiếm 39%, tự đảm bảo một phần chi thường xuyên chiếm 36%, ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên chiếm 25%. Đối với phát thanh, truyền hình (PTTH), tỷ lệ đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư chiếm 6,94%, tự đảm bảo chi thường xuyên chiếm 26,39%, tự đảm bảo một phần chi thường xuyên chiếm 66,67%.

Doanh thu của các báo, tạp chí trong 9 tháng đầu năm 2023 giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng nguồn thu năm 2023 của các đài PTTH giảm 23% so với năm 2022. Hầu hết các đài đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo/ngày trên kênh chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo (10% tổng thời lượng phát sóng/ngày; 5% tổng thời lượng phát sóng đối với kênh truyền hình trả tiền). Có đài, thời lượng quảng cáo trên kênh chỉ đạt vài phút/ngày.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho rằng, dù là báo in, báo điện tử hay PTTH, các đài vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Doanh thu từ quảng cáo của các đài có thời điểm chiếm trên 60%, thậm chí, một số cơ quan báo chí chiếm 90%.

Tuy nhiên, các cơ quan báo chí đang phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google đã lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống.

Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước và chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, nhận diện bức tranh kinh tế báo chí; xây dựng mô hình kinh tế báo chí đặc thù Việt Nam; phát triển thị trường truyền thông trong sự bùng nổ nền kinh tế số; bài toán kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam, những gợi mở và kết nối ý tưởng.

Các đại biểu cũng thảo luận về thành công, hạn chế, những vấn đề bất cập trong kinh tế báo chí; mô hình, ý tưởng, cơ chế phát triển kinh tế báo chí, đúc kết từ bài học kinh nghiệm quốc tế và bước tiến mới tại Việt Nam.

Đồng thời, phân tích những dự báo, vấn đề cần quan tâm, chú trọng hoạt động kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh phát triển kinh tế số thời gian tới...

Cũng tại Hội thảo, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, mỗi cơ quan báo chí hãy tìm ra phân khúc, điểm mạnh để tạo ra mô hình kinh doanh phù hợp, vì không có mô hình kinh doanh nào đúng với tất cả các cơ quan báo chí, nhưng nếu biết tận dụng lợi thế của mình thì sẽ mang lại hiệu quả.

Ông Lê Quốc Minh cũng gợi mở hướng đi mà báo chí thế giới đang vận dụng và có những thành công bước đầu. Đó là, tổ chức sự kiện, thu hút nhà tài trợ, hợp tác với các mạng xã hội cấp phép cho các thương hiệu cung cấp dịch vụ thông tin truyền thông...

HM


Bạn đang đọc bài viết "Kinh tế góp phần vào sự phát triển lành mạnh của báo chí" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).