Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số ngành Công Thương

10/06/2023 16:30

(Chinhphu.vn) - Việc kết nối Cổng dịch vụ công của Bộ Công Thương với Cổng Dịch vụ công quốc gia, gắn cải cách thủ tục hành chính với chuyển đổi số…có hiệu quả sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách thực chất, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và phản ứng chính sách của Bộ Công Thương.

Ngày 9/6, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Trần Văn Sơn chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương về công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) và bảo đảm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tập trung chuyển đổi số, xây dựng phần mềm quản lý chỉ đạo, điều hành

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn đánh giá trong thời gian qua, lãnh đạo Bộ Công Thương đã quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm soát TTHC và bảo đảm thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, phục vụ người dân, doanh nghiệp đạt nhiều kết quả.

Theo báo cáo, hiện nay, Bộ Công Thương đã tổ chức bộ phận một cửa tập trung, chuyên nghiệp tại Văn phòng Bộ đáp ứng yêu cầu tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và Nghị định 107/2021/NĐ-CP. Bộ đã tiến hành hợp nhất Cổng dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử của Bộ Công thương thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Công Thương.

Cổng dịch vụ công của Bộ đã tích hợp, kết nối 129 dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Việc phân cấp, ủy quyền đã được rà soát và đề xuất phân cấp 45 thủ tục TTHC để sửa đổi, bổ sung 16 văn bản quy phạm pháp luật. Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính đã xử lý 200 phản ánh kiến nghị từ năm 2021 đến nay và không có trường hợp quá hạn xử lý.

Riêng việc xây dựng nhóm chỉ số/thông tin, dữ liệu chia sẻ phục vụ chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ, hiện nay, trong Chương trình Chuyển đổi số của Bộ Công Thương đang xây dựng phần mềm quản lý chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Bộ trong đó có thông tin các chỉ tiêu thống kê chủ yếu ngành Công Thương và các chỉ tiêu có liên quan (theo quy định của Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống ngành kinh tế); thông tin ngành, lĩnh vực Công Thương; kết quả gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng phục vụ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Bộ.

Nhóm chỉ số này sẽ sẵn sàng kết nối, tích hợp và chia sẻ với Trung tâm Thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với các Bộ, ngành và với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (VPCP), vẫn còn một số Quyết định công bố TTHC của Bộ Công Thương chưa công khai kịp thời trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia còn thấp, mới đạt 42,6% (129/303 dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ); Bộ còn chưa áp dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử (theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg) và các báo cáo gửi trên Hệ thống thông tin báo cáo của VPCP …

Do đó, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTTHC (VPCP) cho rằng, Bộ Công Thương cần thực hiện tốt công tác công bố, công khai TTHC; quan tâm hơn tới việc trình và thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định kinh doanh, quy định phân cấp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kịp thời hoàn thiện và cập nhật quy trình nội bộ và quy trình điện tử làm cơ sở cho hoạt động nghiệp vụ của cán bộ công chức; thực hiện việc đồng bộ, chia sẻ dữ liệu đầy đủ, kịp thời giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC với Cổng Dịch vụ công quốc gia; hoàn thành việc xây dựng chức năng số hóa, kho dữ liệu hồ sơ TTHC của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, bên cạnh những chuyển biến tích cực, một trong những điểm nghẽn khó khăn nhất của Bộ Công Thương hiện nay đó là hạ tầng công nghệ thông tin. Việc triển khai đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin còn chưa đầy đủ và đồng bộ; các hệ thống thông tin dữ liệu do được xây dựng đã lâu còn chưa có kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin.

Do đó, Bộ Công Thương đề nghị các bộ ngành, địa phương tăng cường chia sẻ cơ sở dữ liệu với Bộ Công thương; đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến từ đó kết nối liên thông các hệ thống thông tin (giấy phép đầu ra của bộ ngành, địa phương này là dữ liệu đầu vào của bộ ngành, địa phương khác) nhằm phục vụ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ngày một tốt hơn.

Tiếp tục cải cách TTHC, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm đẩy mạnh cải cách, kiểm soát TTHC; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoàn thành thực thi các phương án cải cách đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt bảo đảm tiến độ, chất lượng đề ra; tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa mạnh các TTHC nội bộ để nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động của ngành Công Thương.

"Đẩy mạnh cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, trong đó tập trung thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; nâng cao tỷ lệ, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng lấy người dùng làm trung tâm; tập trung rà soát, tái cấu trúc quy trình, tăng cường phân cấp, ủy quyền, gắn với phân bổ nguồn lực hợp lý trong thực hiện TTHC", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nhấn mạnh.

Đồng thời Bộ Công Thương cần đổi mới mạnh mẽ phương thức chỉ đạo, điều hành; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định, yêu cầu về gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; khẩn trương triển khai việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao bảo đảm hiệu quả, đúng tiến độ.

Bên cạnh đó, thực hiện đánh giá, giám sát chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2023 (đánh giá dựa trên dữ liệu theo thời gian thực); nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án 06 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ các "điểm nghẽn" trong triển khai Đề án 06 về thể chế, hạ tầng công nghệ thông tin, dịch vụ công, dữ liệu và nguồn lực. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, huy động và tạo đồng thuận xã hội tham gia vào quá trình cải cách và chuyển đổi số ngành công thương...

Hoàng Giang

Bạn đang đọc bài viết "Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số ngành Công Thương" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).