Công an nhân dân nâng cao hiệu quả thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế

26/04/2024 07:00

Ngày 25/4, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước TOC) và Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em (Nghị định thư TIP); tăng cường công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế trong Công an nhân dân từ nay đến năm 2030.

Chú thích ảnh Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an đã phối hợp với các ban, bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung có liên quan theo Công ước TOC và Nghị định thư TIP. Bộ Công an đã làm tốt công tác hợp tác quốc tế trong dẫn độ tội phạm, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, tương trợ tư pháp về hình sự cũng như tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người, tội phạm ma túy và các loại hình tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia khác.

Về công tác điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế trong Công an nhân dân, trong những năm qua, Bộ Công an đã tổ chức ký kết và triển khai thực hiện nhiều điều ước quốc tế với 3 hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự; 17 hiệp định về dẫn độ; 22 hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù; 17 hiệp định hợp tác phòng, chống tội phạm; 6 hiệp định về cùng bảo vệ tin mật; 14 hiệp định về nhận trở lại công dân hoặc hợp tác liên quan đến xuất nhập cảnh; 12 hiệp định về các lĩnh vực khác với đối tác nước ngoài. Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất với Chủ tịch nước việc đàm phán, gia nhập và tổ chức thực hiện các điều ước  quốc tế đa phương như: Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Công ước chống tra tấn; Công ước chống bắt con tin; Công ước về trừng trị việc khủng bố bằng bom; Công ước ASEAN về chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, Hiệp định ASEAN về dẫn độ, Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm mạng…

Công tác đàm phán, ký kết điều ước quốc tế của Bộ Công an đóng vai trò quan trọng, góp phần vào thành công của công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước; tạo dựng khung khổ pháp lý thực sự hữu hiệu nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc từ sớm, từ xa; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tổ chức, công dân Việt Nam trong bối cảnh tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.

Tại hội nghị, các đại biểu, Công an các đơn vị, địa phương đã phát biểu, tham luận đóng góp ý kiến cụ thể, sát với yêu cầu của chuyên đề này và tình hình thực tế đơn vị, địa phương; đồng thời phân tích, làm rõ mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ mới và theo chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, các đại biểu phân tích thấu đáo, sâu sắc tình hình quốc tế có liên quan, đánh giá chính xác tính tương thích của hệ thống pháp luật trong nước và dự báo đối với công tác này trong thời gian tới. Qua đó kịp thời nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để nội luật hóa những quy định của Công ước và Nghị định thư; tăng cường công tác đàm phán, ký kết với đối tác nước ngoài các điều ước quốc tế liên quan đến công tác công an, thỏa thuận quốc tế với những nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước có quan hệ truyền thống với Việt Nam, có đông người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập...

Chú thích ảnh Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đã ghi nhận và biểu dương những ý kiến đóng góp tâm huyết, trí tuệ của các đại biểu vào dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Công ước TOC và Nghị định thư TIP; tăng cường công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế trong Công an nhân dân từ nay đến năm 2030.

Về các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đề nghị Công an các đơn vị, địa phương cần nắm vững những quan điểm chỉ đạo, các vấn đề mang tính chiến lược đối với việc thực hiện Công ước TOC và Nghị định thư TIP, công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và hợp tác quốc tế về pháp luật. Bên cạnh đó, hoàn thiện dự thảo Báo cáo 10 năm thực thi Công ước TOP và Nghị định thư TIP đảm bảo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với chức năng của các bộ, ngành, của Công an các đơn vị, địa phương; quan hệ chặt chẽ, phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành và cơ quan liên quan…

Đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện Công ước TOC và Nghị định thư TIP, công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; có kế hoạch cụ thể về nhu cầu ký kết, chủ động trong công tác đề xuất đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực được giao, đặc biệt khi có các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an đi công tác nước ngoài hoặc lãnh đạo cấp cao của đối tác nước ngoài đến Việt Nam.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đề nghị Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ đẩy mạnh lĩnh vực hợp tác quốc tế toàn diện, sâu rộng, nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng pháp luật trong đấu tranh phòng chống tội phạm của các nước để vận dụng vào thực tiễn xây dựng pháp luật về an ninh trật tự của Bộ Công an; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ký kết, gia nhập, tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế đa phương và song phương về an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm, tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù với các nước, đặc biệt là các nước láng giềng trong ASEAN, các nước lớn, các nước có mối quan hệ truyền thống, từng bước đi vào chiều sâu, thiết thực, chất lượng, hiệu quả…

Chú thích ảnh Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác điều ước quốc tế, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

Bạn đang đọc bài viết "Công an nhân dân nâng cao hiệu quả thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).