Hội thảo với chủ đề “Xử lý nợ xấu: Đâu là giải pháp hài hòa?” do Báo Tiền Phong tổ chức vào sáng 27/5 nhằm góp phần vào quá trình hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là đóng góp ý kiến có giá trị vào dự thảo Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi - dự thảo luật đang được xã hội đặc biệt quan tâm và kỳ vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý vững chắc hơn cho hoạt động tín dụng, nhất là trong việc xử lý tài sản bảo đảm và nợ xấu.

Gánh nặng tài sản thế chấp và áp lực ngày càng lớn với ngân hàng
Theo ông Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi và thị trường bất động sản đang phát triển mạnh, việc xử lý khối tài sản bảo đảm khổng lồ trong hệ thống ngân hàng đang trở thành một gánh nặng lớn, không chỉ ảnh hưởng đến các tổ chức tín dụng mà còn liên quan đến doanh nghiệp và người dân.
Có thể thấy, dư nợ tín dụng bất động sản tiếp tục tăng mạnh, đạt hơn 1,56 triệu tỷ đồng tính đến tháng 5/2025, tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với cuối năm 2024, tương ứng mức tăng 20%. Nếu tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng đạt mục tiêu 16% trong năm, dư nợ tín dụng bất động sản có thể lên tới 3,8 - 3,9 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này cũng gia tăng, với tổng nợ xấu của 27 ngân hàng niêm yết vượt 265 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngân hàng tư nhân có tỷ lệ nợ xấu cao như OCB (3,9%) trong khi các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, BIDV, VietinBank duy trì dưới 2%.

Theo VNBA, khối lượng tài sản bảo đảm lớn nằm “kẹt” trong ngân hàng do nhiều vướng mắc pháp lý và thủ tục kéo dài. Một số ngân hàng mất gần 2 năm để hoàn tất thủ tục thu giữ và xử lý tài sản, dẫn đến chi phí duy trì, bảo quản tăng cao và tài sản bị xuống giá trong thời gian chờ xử lý.
Mặt khác, hệ thống đăng ký tài sản bảo đảm hiện vẫn còn phân mảnh, thiếu liên thông giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên Môi trường, Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị địa phương khiến việc xác minh, kiểm soát tài sản gặp khó khăn và tạo cơ hội cho việc thế chấp chồng chéo hoặc chuyển nhượng trái phép.
Song song đó, việc định giá tài sản bảo đảm chưa minh bạch và chưa phản ánh đúng giá trị thị trường là một điểm nghẽn lớn. Nhiều tài sản bị bán đấu giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường do thiếu người tham gia đấu giá, quy trình không chuẩn mực, gây thiệt hại cho ngân hàng và người vay, dẫn đến tranh chấp pháp lý kéo dài.
Chưa kể, các bên thứ ba liên quan đến tài sản như vợ chồng, người thuê hợp pháp, cư dân trong các dự án bất động sản cần được bảo vệ quyền lợi hợp pháp để tránh tranh chấp phát sinh thêm.
Do áp lực chi phí và thủ tục, ngân hàng thường chỉ bán tài sản với mức giá đủ thu hồi nợ khiến hiệu quả thu hồi vốn giảm, ảnh hưởng đến khả năng tái cấp vốn và phát triển tín dụng.
Giải pháp pháp lý và hài hòa lợi ích trong xử lý nợ xấu
Với thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp quan trọng là hoàn thiện pháp luật cho phép ngân hàng được quyền xử lý tài sản ngoài tòa án nếu hợp đồng thế chấp có điều khoản rõ ràng và không có tranh chấp, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và giảm tải cho hệ thống tư pháp.

Bên cạnh đó, thiết lập thủ tục cưỡng chế dân sự rút gọn và tái định nghĩa vai trò cơ quan thi hành án để chỉ can thiệp khi tranh chấp hoặc cố tình trì hoãn cũng là giải pháp thiết yếu; tăng quyền tự chủ cho ngân hàng trong bán tài sản qua sàn giao dịch tư nhân hoặc hình thức thỏa thuận minh bạch; đồng thời giám sát độc lập sẽ nâng cao hiệu quả và bảo vệ quyền lợi người vay; chuẩn hóa hợp đồng thế chấp với các điều khoản rõ ràng về quyền xử lý, thông báo, thời gian ân hạn và quyền lợi người vay giúp hạn chế tranh chấp và tạo niềm tin cho các bên.
Tuy nhiên, luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc hãng luật Lê Trung Phát nhấn mạnh rằng, nợ xấu là mối nguy hiểm không chỉ với người vay mà còn đối với sự an toàn hoạt động của ngân hàng. Pháp luật đã quy định rõ về phân loại và xử lý nợ theo Bộ luật Dân sự 2015 và Thông tư 11/2021 của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, chủ sở hữu tài sản có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt, nhưng tài sản thế chấp chưa đồng nghĩa với chuyển giao quyền sở hữu. Vì vậy, ngân hàng chỉ được xử lý tài sản khi người vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo quy định pháp luật.
Thêm vào đó, Thông tư 11/2021 quy định tổ chức tín dụng tự phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro hàng tháng, gây áp lực lớn lên ngân hàng, ảnh hưởng tới lợi nhuận và khả năng kinh doanh.
Chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, đề xuất hợp đồng thế chấp phải quy định rõ quyền xử lý tài sản ngoài tòa án, trình tự thông báo, phương thức định giá và quyền lợi người vay sau khi tài sản bị bán.
“Quá trình xử lý phải minh bạch, cho phép người vay chủ động trả nợ hoặc thương lượng, chuyển nhượng tài sản với mức giá tốt hơn. Việc định giá cần khách quan, có giám sát bên thứ ba để tránh bán dưới giá thị trường”, ông Tuấn nói.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, quy trình xử lý tài sản cũng cần phải công khai, có thể qua sàn giao dịch hoặc kênh minh bạch khác, công bố thông tin giá chào bán, hồ sơ người mua và biên bản giao dịch nhằm tránh xung đột lợi ích. Song song đó, người vay cần được đảm bảo quyền nhận lại phần giá trị dư sau khi trừ nợ, lãi và chi phí hợp lý, đồng thời có quyền khiếu nại nếu thấy quy trình xử lý không minh bạch.

Mặt khác, cơ chế bảo vệ các bên thứ ba như đồng sở hữu, người thuê hợp pháp, người bảo lãnh phải được đảm bảo để quy trình xử lý toàn diện và công bằng. Có thể thấy, luật hóa các nội dung thành công từ Nghị quyết 42/2017, cân bằng quyền thu giữ tài sản hợp pháp của ngân hàng với quyền tài sản của người vay, dựa trên nguyên tắc tăng độ bao phủ rủi ro, giảm chi phí vốn và cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng.
Tại hội thảo, ông Tuấn cũng phân tích sự khác biệt giữa mô hình pháp luật Thông luật và Dân luật trong xử lý tài sản bảo đảm, nhấn mạnh Việt Nam cần một cơ chế linh hoạt, minh bạch và hiệu quả hơn.
Các chuyên gia khác tại hội thảo cũng đồng tình, trước khối tài sản bảo đảm “kẹt” tại ngân hàng đang là điểm nghẽn lớn đối với thị trường tín dụng và tăng trưởng kinh tế Việt Nam, việc hoàn thiện khung pháp lý, thiết lập quy trình minh bạch, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên và vận hành cơ chế xử lý hiệu quả sẽ giúp tháo gỡ các nút thắt, tạo điều kiện cho dòng vốn tín dụng lưu thông và thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính quốc gia.