Diễn đàn Kinh tế & Doanh nghiệp 2022: Thích ứng và Tự chủ

13/06/2022 11:02

Ngày 11/06 tại TP.HCM, Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI & PBS cùng các đối tác tổ chức hội thảo “Diễn đàn Kinh tế & Doanh nghiệp 2022: Thích ứng và Tự chủ”.

Tại Hội thảo, nhiều tham luận và ý kiến có giá trị cao được các chuyên gia chia sẻ và phân tích sâu. Các chủ điểm chính tập trung làm rõ bức tranh tổng quan về nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong 6 tháng đầu năm 2022.

Về tổng thể, kinh tế thế giới năm 2022 được các chuyên gia đánh giá “không đạt như kỳ vọng”. Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới công bố vào tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến ​​xuống mức 3,6%, giảm 0,8% so với mức dự báo 4,4% được đưa ra trong tháng 1.

2021 là một năm đầy khó khăn đối với cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam bởi dịch bệnh COVID-19 với những đợt phong tỏa và giãn cách xã hội kéo dài. Theo khảo sát của VCCI, hầu hết các doanh nghiệp đều khó tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, thiếu hụt nhân công, đứt gãy chuỗi cung ứng… 93,9% các doanh nghiệp chịu những tác động tiêu cực trên.
 
Năm 2021-2022, để đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn, Nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể về chính sách thuế như: gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoanh nợ thuế, xóa nợ tiền chậm nộp với doanh nghiệp có lỗ. Đặc biệt, ngày 28/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 34/2022/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022.
 
Tại diễn đàn, các chuyên gia có những nhận định và phân tích về tình hình kinh tế thế giới trước những thách thức lớn; đưa ra các chiến lược toàn cầu hóa dành cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp lớn cũng chia sẻ về sự thích nghi, tự chủ và phát triển. Tiến sĩ Võ Trí Thành – nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương nhìn nhận: “Có 3 từ quan trọng nhất đối với Việt Nam: ổn định, đặc biệt là ổn định tài chính, tăng cường khả năng chống chịu; thứ hai là phục hồi; thứ ba là phát triển bền vững. Chúng ta biết là Việt Nam đã trải qua hơn 2 năm đại dịch. Và có thể nói rất nhiều nước thực thi chính sách tài khóa tiền tệ chưa có trong tiền lệ cả về quy mô, cách thức, diện bao phủ, cách làm. Và điều đó làm giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch, nhưng mặt khác để lại nhiều hệ lụy cho phát triển quy mô thị trường tài chính như bất động sản, thị trường chứng khoán”.
 
dien-dan-kinh-te-va-doanh-nghiep-2022-thich-ung-va-tu-chu-voh.com.vn-anh2
 
Đối với thị trường chứng khoán, theo các chuyên gia, cổ phiếu thanh khoản năm 2021 tăng 258% so với năm 2020, nhà đầu tư hiện nay đã đạt 5,2 triệu tài khoản. Thị trường này phát triển ngày càng quy mô, số nhà đầu tư tham gia ngày càng nhiều trước tác động của kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, ở lĩnh vực sản xuất, doanh nghiệp cũng đối diện với không ít thách thức.
 
Ông Nguyễn Tất Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Giảng huấn – Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI chỉ ra cách thức quản trị tốt để doanh nghiệp có thể đứng vững trong bối cảnh giá nguyên vật liệu leo thang, giá xăng dầu tăng cao, chi phí logistics ngày càng nhiều: “Đặc điểm của chuyển đổi số, máy móc, AI không thiếu, nhưng nó đòi hỏi tính thực của làm việc, của giao dịch, kế toán, của sự việc nếu vi phạm thì chúng ta sẽ bị đi lùi. Đây là vấn đề rất nan giải và gắn liền với văn hóa doanh nghiệp”.
 
Nói thêm về cách thức quản lý chiến lược, quốc tế hóa để doanh nghiệp có thể tồn tại được trong bối cảnh này, ông Choi Bong Sik – nguyên Tổng giám đốc LG Cable Việt Nam – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Hàn Quốc tại Việt Nam – Trưởng ban cố vấn Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc vừa và nhỏ tại Việt Nam – Chủ tịch Công ty Big Wave tại Việt Nam cho biết: “Giá trị chung của doanh nghiệp bao gồm: hoạch định chiến lược, cơ cấu tổ chức, các thành viên có kỹ năng quản lý trong doanh nghiệp, công nghệ lõi. Đồng thời, việc quản lý chiến lược bao gồm nhiều yếu tố như kế toán tài chính, kế toán quản trị,  quản lý chi phí, tất cả mọi quyết định phải đồng nhất với việc xây dựng doanh nghiệp. Và việc xây dựng sự đồng thuận giữa ban lãnh đạo và nhân viên trong doanh nghiệp với tinh thần làm chủ”.
 
Về xu hướng mua bán và sáp nhập M&A trong ngành bán lẻ, đặc biệt là các chuỗi hệ thống, siêu thị như Metro, ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho biết, để xây dựng và bán được công ty cho nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp đó phải phát triển rất tốt, có tiềm lực và biết cách thu hút nguồn đầu tư. Muốn vậy, khi xây dựng doanh nghiệp, các công ty phải định giá và định hình được doanh nghiệp của mình trong 3-5 năm tới sẽ phát triển thế nào.
 
Trong môi trường kinh tế bất định, sự linh hoạt đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp trong việc hoạch định chiến lược phát triển, đặc biệt là việc xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh. Để có thể tự chủ và thích ứng trong bối cảnh mới, doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức đầy đủ về các thách thức, coi đó là áp lực lành mạnh để tạo ra sự đổi mới và đột phá. Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn tự tin về động lực phục hồi mới cho năm 2022, đóng góp cho sự phát triển của kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, năng động và có trách nhiệm hơn.
 
Nguyễn Hạnh

Bạn đang đọc bài viết "Diễn đàn Kinh tế & Doanh nghiệp 2022: Thích ứng và Tự chủ" tại chuyên mục Doanh nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).