Đà Nẵng phê duyệt hai đồ án quy hoạch lớn, mở rộng không gian đô thị về phía Tây

UBND TP Đà Nẵng vừa phê duyệt hai đồ án quy hoạch lớn tại khu vực phía Tây, định hình không gian đô thị gắn với công nghệ cao, du lịch và sinh thái, hướng đến xây dựng thành phố thông minh, hiện đại.

Đô thị Sườn đồi, không gian sống xanh và kết nối du lịch

Ngày 3/7, UBND thành phố Đà Nẵng chính thức công bố đồ án quy hoạch phân khu Công nghệ cao và Đô thị Sườn đồi, hai khu vực trọng điểm mở rộng không gian đô thị phía Tây thành phố, với định hướng phát triển bền vững, gắn kết giữa công nghệ, du lịch và thiên nhiên.

Đà Nẵng phê duyệt hai đồ án quy hoạch lớn, mở rộng không gian đô thị về phía Tây- Ảnh 1.

Hai đồ án quy hoạch được kỳ vọng mở rộng không gian đô thị về phía Tây, tạo động lực phát triển bền vững cho Đà Nẵng trong giai đoạn 2030–2050.

Cả hai đồ án đều do Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia chủ trì lập, đã được Sở Xây dựng Đà Nẵng thẩm định, đóng dấu bản vẽ, chính thức công khai rộng rãi trên hệ thống thông tin địa lý và cổng thông tin quy hoạch của thành phố. Đây là điều quan trọng trong việc thực hiện các định hướng quy hoạch phát triển dài hạn, đặc biệt sau giai đoạn sáp nhập mở rộng địa giới hành chính.

Đồ án quy hoạch phân khu Đô thị Sườn đồi (tỷ lệ 1/2.000) có quy mô gần 2.832 ha, trải rộng trên địa bàn các xã: Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Nhơn và Hòa Phú (cũ), được quy hoạch thành khu đô thị mới ưu tiên phát triển du lịch – thương mại dịch vụ kết hợp với nhà ở. Không gian quy hoạch gắn với các vùng cảnh quan đặc trưng, tập trung quanh khu vực núi Dương Ba Làng.

Theo thiết kế, khu đô thị sẽ có mật độ xây dựng thấp, tổ chức thành 11 đơn vị ở và 3 khu chức năng ngoài đơn vị ở, kết hợp rừng tự nhiên với các nhóm nhà ở hiện hữu. Mục tiêu là tạo nên một không gian sống hài hòa, đậm chất sinh thái, với tầm nhìn thoáng mở hướng núi, cùng hệ thống tiện ích công cộng được phân bổ đều.

Trong số các khu chức năng đáng chú ý có: khu logistics (70,9 ha) phục vụ hậu cần và cảng cạn; khu phi thuế quan (157,8 ha) phát triển thương mại đặc thù; và khu thể dục thể thao (202,5 ha) với định hướng phát triển các tiện ích như sân golf.

Phân khu Công nghệ cao, nền tảng cho đô thị thông minh

Phân khu Công nghệ cao có phạm vi khoảng 3.656 ha, nằm trên địa bàn các phường Hòa Khánh Bắc, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam (cũ) và các xã Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Ninh. Khu vực này nằm giữa các trục phát triển quan trọng như: sông Cu Đê, đường ĐT602, Nguyễn Lương Bằng, và vành đai phía Tây.

Không chỉ là vùng phụ cận hỗ trợ cho Khu Công nghệ cao Đà Nẵng hiện hữu, đồ án phân khu còn đóng vai trò chiến lược trong việc phát triển hạ tầng đô thị thông minh, gắn với định hướng thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu và đào tạo.

Đà Nẵng phê duyệt hai đồ án quy hoạch lớn, mở rộng không gian đô thị về phía Tây- Ảnh 2.

Không gian sống xanh tại Đô thị Sườn đồi và nền tảng hạ tầng tại phân khu Công nghệ cao sẽ bổ trợ nhau trong phát triển đô thị hài hòa.

Căn cứ theo hồ sơ quy hoạch, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng đã đề nghị các cơ quan chức năng bao gồm: Văn phòng UBND thành phố, Sở Xây dựng, UBND các quận huyện liên quan và Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng phối hợp công khai đồ án trên cổng thông tin điện tử và nền tảng dữ liệu GIS.

Đồng thời, các đơn vị chuyên môn cũng được yêu cầu lưu trữ và triển khai các nội dung đồ án theo chức năng, đảm bảo đồng bộ hóa trong quá trình thực hiện các dự án thành phần và kêu gọi đầu tư sau này. 

Sở Xây dựng Đà Nẵng vào cuộc vụ đá xây dựng bị “thổi giá” qua trung gianĐường bay Osaka - Đà Nẵng: Mở rộng cánh cửa hợp tác với Nhật BảnThành ủy Đà Nẵng công bố quyết định quan trọng về tổ chức bộ máy và nhân sự chủ chốt

Việc công bố hai đồ án quy hoạch lớn ở khu vực phía Tây cho thấy định hướng rõ ràng của Đà Nẵng trong việc mở rộng không gian phát triển, xây dựng các khu đô thị sinh thái hiện đại, đồng thời thúc đẩy thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và dịch vụ chất lượng cao. 

Đây là một phần trong tầm nhìn dài hạn nhằm đưa Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh vào năm 2030, tiến tới vị thế đô thị quốc tế vào năm 2050.