Chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng công nghệ cao tại Tây Nguyên

Ngày 19/5, tại xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai đã diễn ra Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng tại khu vực Tây Nguyên. Chương trình do ông Trần Ngọc Ấn, Chủ trang trại sầu riêng Five A phối hợp với Tiến sĩ Lê Phong Hải, Giám đốc Trung tâm chuyển giao công nghệ Biotech Solution tổ chức, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp và nhà nông trên địa bàn.

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 đang gặp nhiều khó khăn do các rào cản kỹ thuật và yêu cầu khắt khe từ các thị trường nhập khẩu. Do đó, việc chia sẻ kinh nghiệm thực tế, nhất là từ những mô hình thành công trong việc áp dụng công nghệ cao vào canh tác, được kỳ vọng góp phần tháo gỡ nút thắt và thúc đẩy phát triển ngành hàng tiềm năng này.

Chú thích ảnh Chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng công nghệ cao tại Tây Nguyên.

Tại hội nghị, ông Trần Ngọc Ấn cho biết: Trang trại Five A trước đây dù đầu tư nhiều công sức và tài chính, nhưng do áp dụng "tư duy cũ, cách làm cũ" nên không đạt được hiệu quả kinh tế như kỳ vọng. Tuy nhiên, bước ngoặt xảy ra khi trang trại chuyển hướng sang ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong mùa vụ năm 2025.

“Chúng tôi đã mạnh dạn thay đổi toàn bộ quy trình, từ việc sử dụng phân hữu cơ, kiểm soát dịch bệnh sinh học, đến việc ứng dụng công nghệ trong chăm sóc và quản lý cây trồng. Kết quả là năng suất tăng rõ rệt, cây khỏe mạnh, không phụ thuộc hóa học, và quan trọng nhất là sản phẩm đủ điều kiện tiếp cận thị trường xuất khẩu, kể cả các thị trường khó tính như Trung Quốc”, ông Ấn chia sẻ.

Trang trại hiện canh tác hơn 3.000 cây sầu riêng giống Musang King - một trong những giống có giá trị kinh tế cao nhất hiện nay. Ngoài năng suất và chất lượng trái, mô hình còn được đánh giá cao ở khả năng bảo vệ môi trường, cải tạo đất và giữ vững sản xuất theo hướng hữu cơ bền vững.

Theo Tiến sĩ Lê Phong Hải, những kết quả đạt được từ trang trại Five A là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng của mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Nguyên - nơi có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với cây sầu riêng.

Ông Lê Phong Hải cho biết, chìa khóa để phát triển bền vững là chuyển đổi tư duy sản xuất, theo hướng bài bản và có kiểm soát. Hiện nay, cây canh tác theo quy trình công nghệ cao của trung tâm biotech do ts Hải chuyển giao trái sầu riêng không nhiễm cadimi cà chất vàng 0. Với kỹ thuật công nghệ cao này Vườn có năng suất rất cao. Với cây sầu riêng musangking 6 năm tuổi đạt từ 250 kg đến 300kg/1 cây trong điều kiện thời tiết cực đoan(lanh và mưa và sương muối khi làm bông) mở hướng đi mới và bền vững cho canh tác sản xuất sầu riêng tai Plieku nói riêng và tại Tây Nguyên nói chung.

Ban tổ chức hội nghị đặt ra ba mục tiêu cho cộng đồng doanh nghiệp và nông dân tham gia canh tác sầu riêng tại Tây Nguyên: Thứ nhất, sản xuất ra trái sầu riêng sạch, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu về mẫu mã và chất lượng; thứ hai, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế; thứ ba, đảm bảo đầu ra thông qua việc tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Việc tổ chức các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm như trên được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phong trào ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, giúp ngành sầu riêng Việt Nam nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay.